Sau 6 năm, từ 2006 đến 2011 giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng liên tiếp, nhưng đến năm 2012 đã giảm mạnh tại 3 thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, tháng 1 vừa qua, Nhật Bản đã rơi xuống vị trí thứ 2 trong số các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam. Tháng 1, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản giảm tới 28% về giá trị so với tháng 12 ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản là do “rào cản Ethoxyquin”. Từ tháng 5/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu gặp khó khi 30% số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản bị kiểm tra chất Ethoxyquin với mức giới hạn cho phép (MRL) là 0,01 ppm. Đáng lưu ý là đến cuối tháng 8/2012, phía cơ quan chức năng của Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra chất Ethoxyquin trong toàn bộ số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Để bảo vệ uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Nhật và tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan, đề nghị có biện pháp khẩn cấp ngăn ngừa chất Ethoxyquin trong nuôi tôm; đồng thời đề nghị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản áp dụng mức dư lượng Ethoxyquin tối đa cho phép là 1ppm trong sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã “vào cuộc” giải quyết vấn đề “rào cản Ethoxyquin” tại thị trường Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã gửi Công hàm tới Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đề nghị nâng mức kiểm soát dư lượng Ethoxyquin trong sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 0,01 ppm lên 1 ppm như đã áp dụng cho sản phẩm cá nhập khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Theo chúng tôi biết, phía Nhật Bản cũng đã tiến hành đánh giá rủi ro cũng như đang xem xét để đưa ra mức dư lượng tối đa cho phép đối với hàm lượng Ethoxyquin trong sản phẩm tôm. Hy vọng chỉ số này được cải thiện, bởi vì so với sản phẩm cá nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, chỉ tiêu áp dụng đối với sản phẩm tôm là quá thấp và không thể áp dụng cho sản phẩm tôm được. Đồng thời, hy vọng phía Nhật Bản có thể quyết định điều chỉnh sớm về chỉ tiêu hàm lượng Ethoxyquin trong sản phẩm tôm, như vậy sẽ giúp cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vượt qua rào cản hiện nay rất khó khăn”./.