Áp lực cạnh tranh cao, nhiều nước tăng cường áp dụng rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu cũng là những thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu của nước ta. Đặc biệt là nguy cơ phụ thuộc vào một số thị trường nhất định có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Do đó cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản một cách ổn định, bền vững.
Xuất khẩu thủy sản gặp khó do hàng hóa nước ta không ổn định về mặt chất lượng (Ảnh: KT)
Trao đổi với phóng viên VOV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ,…
PV: Thưa Thứ trưởng, xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn tại một số thị trường truyền thống như Nga, Mexico…ông có thể cho biết thông tin cụ thể?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, tại một số thị trường truyền thống như Nga, Mexico…, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như tôm, cá tra, cá basa gặp khó khăn nhất định do các thị trường này đưa ra rào cản thương mại mới dưới hình thức các yêu cầu về mặt kỹ thuật về dư lượng kháng sinh, chất lượng thủy sản như hàm lượng nước trong cá tra. Do vậy, khi không vượt qua những rào cản này, phía đối tác đã tạm thời ngừng nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam. Ngoài ra, do hàng hóa của chúng ta không ổn định về mặt chất lượng, kể cả sản phẩm cá tra, cá basa là những sản phẩm đặc thù của Việt Nam. Chính vì vậy, với những thị trường có yêu cầu cao thì rõ ràng hàng thủy sản của Việt Nam đang gặp vướng mắc.
PV: Trước thực trạng này, Bộ Công Thương có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Để giải quyết khó khăn cho những mặt hàng này, cần các giải pháp đồng bộ. Trước hết phải xem lại vấn đề sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản của chúng ta, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản. Thứ hai là thông qua quá trình đàm phán, mở rộng thị trường mới, dỡ bỏ rào cản kỹ thuật có tính chất bảo hộ để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Hiện, đối với các mặt hàng như tôm, cá tra, cá ba sa… Bộ Công Thương đang chỉ đạo cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của phía bạn trong vấn đề kiểm dịch chất lượng sản phẩm để tìm cách đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến những tiêu chuẩn kỹ thuật đó.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đưa nội dung này vào trong các nội dung làm việc của các Ủy ban liên chính phủ và Ủy ban hỗn hợp để đề nghị phía đối tác có những xem xét, cân nhắc để đưa ra các giải pháp thỏa đáng, phù hợp đối với trình độ cũng như thực tiễn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
PV: Những năm gần đây, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương có giải pháp gì để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Điều quan trọng đầu tiên mà Chính phủ và các bộ ngành thống nhất là đa dạng thị trường trên cơ sở đảm bảo tính bền vững của các thị trường. Trước nguy cơ chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường như Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ…ở một số nhóm hàng nông sản, thủy sản, chúng ta đang phải tính toán để có biện pháp đa dạng hóa thị trường, thông qua khai thác những điều kiện thuận lợi của các khung khổ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết mà chưa khai thác hết tiềm năng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới. Bộ sẽ chủ động nghiên cứu thị trường giúp cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và đưa ra được những sản phẩm xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị hiếu và tính chất của thị trường, từ đó cơ cấu lại trong sản xuất để đảm bảo được giá trị gia tăng cũng như giá trị trong xuất khẩu.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.