>> Tiêu thụ vải thiều: Chất lượng thôi chưa đủ
>> Thêm 3 tấn vải thiều xuất khẩu sang Úc
>> Vải thiều Việt Nam nhận phản hồi tích cực tại thị trường Pháp
>> Vải thiều bán chạy tại Hàn Quốc
Việc xuất khẩu trái vải sang thị trường Australia và Mỹ mới đây được coi là cơ hội, một bước ngoặt lớn và là tiền đề để các loại nông sản khác của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam là nước có tiềm năng về nông sản và có thế mạnh xuất khẩu trái cây mà không phải nước nào cũng có được. Đặc biệt, mới đây, tín hiệu vui từ thị trường Mỹ mở cửa thêm đối với hai loại quả nhập khẩu từ Việt Nam là nhãn và vải, cùng với những kế hoạch tiếp tục đưa các loại đặc sản như vú sữa, thanh long, chôm chôm, vải và xoài thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc)... sẽ là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là xây dựng hình ảnh của sản phẩm nông sản Việt Nam |
Tuy nhiên, trong tương lai để các loại trái cây của Việt Nam có một chỗ đứng vững tại các thị trường khó tính thì đòi hỏi phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật bằng những biện pháp như chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng. Đồng thời, cần tổ chức sản xuất, quy hoạch thành vùng chuyên canh lớn có hệ thống truy nguyên nguồn gốc như mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý...
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện thương mại Việt Nam tại Austalia cho rằng, việc trái vải Việt Nam được cấp phép vào Australia trong giai đoạn hiện nay hết sức là quan trọng, vì Australia là một trong những nước có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt nhất thế giới.
“Đối với Việt Nam họ sẽ đàm phán và mở cửa từng mặt hàng trái cây một, nếu như chúng ta đàm phán được trái vải thành công, trái vải dẫn đường sẽ mở cửa cho các trái cây khác. Để xuất khẩu được vào thị trường Australia phải đáp ứng được 5 yêu cầu cơ bản về vùng trồng, cơ sở đóng gói, bao bì, nhãn mác, xử lý chiếu xạ cũng như kiểm dịch lô hàng trước khi xuất khẩu,” bà Thúy cho hay.
Việc Mỹ nhập khẩu thêm vải và nhãn của Việt Nam bên cạnh thanh long và chôm chôm là động thái mở ra cơ hội để trái cây Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để hướng tới xuất khẩu nhiều loại trái cây cũng như các loại nông sản sang thị trường nước ngoài thì rất cần có chiến lược chủ động tiêu thụ sản phẩm, thống nhất điều hành xuất khẩu. Có chương trình quảng bá sản phẩm nông sản của Việt Nam trong và ngoài nước để phát triển thêm thị trường, đặc biệt là những chương trình quảng bá để mở rộng thị trường khó tính về cả số lượng và chất lượng.
Song, một trong những khó khăn nhất hiện nay cho đầu ra nông sản Việt Nam là quy mô tổ chức sản xuất nhỏ, phân tán. Mặc dù có một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung nhưng năng lực doanh nghiệp lại hạn chế, dẫn đến gây khó khăn cho việc đảm bảo chất lượng, ổn định thị trường.
Cùng với đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Điển hình là vải, nếu không có quy trình bảo quản, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thì rất khó thâm nhập vào được thị trường Mỹ.
Trước những khó khăn này, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong vụ vải tới, đặc biệt năm 2016, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, đặc biệt Cục bảo vệ thực vật đã làm việc với Trung tâm chiếu xạ của Hà Nội, để nâng cấp trung tâm chiếu xạ lên, đã được Bộ Khoa học công nghệ đầu tư với khoảng 20 tỷ để nâng cấp dây chuyền chiếu xạ. Nếu không có gì thay đổi đến cuối năm 2015, nhà máy chiếu xạ đủ điều kiện để xuất khẩu các trái cây sang thị trường Mỹ-Australia.
Như vậy, nông sản của Việt Nam, trong đó có quả vải sẽ còn nhiều cơ hội để chinh phục thị trường thế giới. Tuy nhiên, để giấc mơ nông sản Việt Nam hội nhập thế giới thì vai trò của tham tán thương mại rất quan trọng, tiếp đó là tiêu chí chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
Doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá sản phẩm và tạo dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh kết nối thông tin giữa người nông dân, doanh nghiệp với thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, mặc dù Mỹ và Australia đã đồng ý cho phép trái vải của Việt Nam xuất khẩu vào, tuy nhiên đây là những thị trường khó tính về chất lượng sản phẩm cho nên Việt Nam sẽ phải mất khoảng 4 năm chuẩn bị và Australia tiến. Theo Thứ trưởng, khó khăn lớn nhất hiện nay là xây dựng hình ảnh của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cùng 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang đã ký biên bản ghi nhớ cam kết với đại diện 6 nước trên thế giới nhằm đưa vải thiều Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lên từ 50.000 đến 100.000 tấn vải/năm. Đây là tin vui nữa với trái vải nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung. Để các sản phẩm nông sản của Việt Nam vươn xa và chinh phục thành công thị trường thế giới, rất cần có sự liên kết đồng bộ giữa người sản xuất, doanh nghiệp và các thương vụ trong việc kết nối, tìm kiếm đầu ra cho nông sản Việt Nam./.