Quý I/2015, tình hình xuất khẩu của nước ta, trong đó có xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có sự giảm sút bất thường về tốc độ tăng trưởng cũng như không đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm là do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, trong năm 2014, nước ta đã đạt đến một ngưỡng rất lớn cả về kim ngạch cũng như sản lượng xuất khẩu - điều này đã gây tác động dội ngược đến những tháng đầu năm 2015 khiến kim ngạch xuất khẩu không thể tăng hơn.
Nguyên nhân chủ quan đáng lưu tâm là trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường chính và truyền thống đều bị suy giảm. Điều này đang gây bất lợi và cần phải nghiên cứu lại, bởi đây là những thị trường rất lớn về thương mại với sức tiêu thụ sản phẩm tích cực, trong tương lai khi kí kết các Hiệp định thương mại, đây vẫn là những thị trường trọng yếu của nước ta.
Ngoài ra, có những nhận định về mất cân đối cung cầu của mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thể hiện ở việc dư thừa về nguồn cung dẫn đến áp lực cạnh tranh lưu thông rất mạnh. Trong khi đó, suy giảm xuất khẩu còn có ảnh hưởng từ cơ chế chính sách, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cũng như cải cách thủ tục hành chính: Thuế, hải quan và quy định kiểm dịch…
Ông Năng nhận định, trong ngắn hạn, nên cân đối việc sản xuất lúa gạo, trong đó cần đồng điệu hóa nhu cầu giữa thị trường châu Phi và thị trường Đông Nam Á. Hơn nữa cần lựa chọn giống lúa vừa đảm bảo sản lượng, giảm thời gian và chi phí chăm sóc, nhưng lại đạt tiêu chuẩn cao về mặt chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.
“Trước mắt, Việt Nam muốn giành được hạn ngạch nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á vẫn phải dựa vào yếu tố cạnh tranh về giá, cũng như các yêu cầu khác mang tính chuyên nghiệp. Trong trung và dài hạn, chính quyền và ngành nông nghiệp cần có quá trình chuyển hóa giống lúa, tổ chức hệ thống canh tác và tổ chức lại hệ thống hậu cần kĩ thuật. Nếu làm tốt được điều này và cùng với sực nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ giữ lại được hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo”, ông Năng phân tích.
Đại diện ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu 4 tháng giảm đến 15% so với cùng kỳ, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng thủy sản, trong công tác xúc tiến thương mại nên tránh sự dàn trải, cần có sự tập trung vào những nội dung, ngành hàng thiết thực và thị trường chủ lực.
“Trong đàm phán hội nhập, với mỗi nhóm hàng được xác định là trọng tâm cần được nâng lên một mức độ nhất định. Bộ Công Thương nên có chỉ đạo nhằm phát huy vai trò của các tham tán thương mại để xử lý các vấn đề của thị trường trong ngắn hạn được báo trước hoặc những vấn đề đột xuất, tránh việc bị động. Tham tán thương mại phải tạo nên một mắt xích quan trọng trong mạng lưới xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy thủy sản”, ông Nam nói.
Đại diện VASEP cũng chỉ rõ, ngưỡng lãi suất ngắn hạn của ngân hàng hiện đang ở mức 7,5%, trong khi Việt Nam đang phải cạnh tranh với một số quốc gia có việc thả nổi đồng tiền, do đó, những quốc gia này có lợi thế cạnh tranh hơn khi cùng bán một mặt hàng cho cùng một thị trường. Ông Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh mức lãi suất thấp hơn so với hiện tại.
Ngoài ra, đối với những yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa, nhất là trong việc tăng năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục thuế, hải quan, xuất khẩu…
Đồng tình với nhiều giải pháp của các doanh nghiệp và hiệp hội, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cam kết, Bộ Công Thương sẽ cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT định hướng cho các doanh nghiệp trong việc liên kết với người nông dân đối với các sản phẩm hàng hóa cụ thể, không thể để doanh nghiệp chạy theo người nông dân bao tiêu sản phẩm.
“Bằng tất cả nỗ lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vai trò và sự chủ động của các hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ khai thác tất cả các cơ hội phát triển theo hướng bền vững để thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu có hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ hoặc Bộ Công Thương sẽ có chỉ thị cụ thể về tăng cường các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển giành lại thị trường”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Mặt khác, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong các thủ tục về xuất khẩu, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chủ động đàm phán mở thị trường mới, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đổi mới trong hoạt động xúc tiến thương mại. Chỉ đạo các thương vụ và các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài hỗ trợ phát triển thị trường, thành lập tổ công tác trực tiếp tham gia xử lý và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp cụ thể hướng tới giảm giá thành sản xuất, kiểm soát chi phí đầu vào giúp sản phẩm xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao hơn. Tổ chức tốt hơn các hoạt động kết nối giữa sản xuất với lưu thông phân phối; cân đối lưu thông giữa thị trường xuất khẩu và nội địa, đảm bảo ổn định thị trường góp phần tiêu thụ hết sản phẩm hàng hóa của người nông dân.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế thuế, hải quan nhằm có những biện pháp hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp về thủ tục thuế, hải quan đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện trong quy trình thông quan hàng hóa./.