Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giày đều tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 2,49 tỷ USD, chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong tháng những đầu năm đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành dệt may có nhiều yếu tố thuận lợi ngay từ đầu năm. (Ảnh:KT) |
Tại các thị trường lớn, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cũng khá khả quan. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 1,19 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 309,53 triệu USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 255,84 triệu USD; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 108,72 triệu USD; xuất khẩu sang EU đạt 332,74 triệu USD.
Những con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu của ngành dệt may đầu năm nay tốt hơn năm 2017.
Đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 9.
Cơ hội tăng kim ngạch, mở rộng thị trường của ngành dệt may sẽ còn khả quan hơn nếu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sớm có hiệu lực.
Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu giày dép cũng khá khả quan với kim ngạch đạt 1,42 tỷ USD, tăng trên 21% so với tháng đầu năm 2017. Xuất khẩu giày dép sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đáng chú ý là các thị trường: Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản…
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, năm 2018 ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt bởi có nhiều yếu tố thuận lợi.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến được ký kết vào giữa năm 2018.
So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 đến 4,2% khi xuất khẩu vào EU tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Khi Hiệp định có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%.
Đơn hàng nhiều, kim ngạch tăng cao, tuy nhiên, khó khăn chung của ngành dệt may, da giày hiện nay là chi phí đầu vào không ngừng tăng trong khi giá gia công không tăng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Để giải quyết khó khăn này, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí như áp dụng sản xuất tinh gọn, đồng thời tìm các giải pháp tăng cường liên kết, nâng cao sự chủ động về nguyên phụ liệu, giảm bớt nhập khẩu, để giảm chi phí đầu vào và tận dụng các ưu đãi thuế từ các FTA đã được ký kết./.
Gần 90% lao động dệt may, da giày có nguy cơ mất việc làm do robot