Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khối lượng chè xuất khẩu tháng 10 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt gần 24 triệu USD.

Như vậy, tính chung 10 tháng, tổng lượng chè xuất khẩu 10 tháng ước đạt 116 nghìn tấn với giá trị đạt 187 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2012 đã giảm 5,7% về khổi lượng và tăng 0,1% về giá trị do giá xuất khẩu tăng.

Giá chè xuất khẩu trung bình 9 tháng 2013 đạt 1.598,84 USD/tấn, tăng 5,41% so với mức giá trung bình 1.516,73 USD/tấn của năm 2012.

Khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 16,3% về khối lượng và 11,7% về giá trị.

Với thị trường Đài Loan trong 9 tháng đầu tăng 6% về khối lượng và 9,7% về giá trị.

Tuy nhiên theo báo Tin tức, tuy xuất khẩu nguyên liệu lớn nhưng ngành chè Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập ở cả 3 công đoạn: trồng, chế biến và tiêu thụ. Trong khâu gieo trồng, do 70% diện tích trồng chè được trồng bởi các nông hộ nhỏ nên chất lượng chè không đồng đều và khó kiểm soát về chất lượng.

Về chế biến, do các nhà máy được cấp phép tràn lan nên công suất chế biến chè hiện gấp đôi sản lượng nguyên liệu.

Báo Tin tức dẫn ý kiến ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng, cùng với quá trình tái cơ cấu của toàn ngành nông nghiệp, đã đến lúc ngành chè chuyển sang tổ chức sản xuất hàng hóa lớn bằng việc tập trung đất đai, từ đó tạo ra các nguồn nguyên liệu đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến công tác thu hái và bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị cho chè Việt Nam.

Ngành chè cần tái cơ cấu lại theo hướng thị trường, tức là trồng và sản xuất chè theo nhu cầu và được quyết định bởi thị trường. Có như vậy, giá bán chè Việt Nam mới có thể tăng cao hơn so với hiện nay./.