Tại buổi họp báo chiều 1/12 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức tuyên truyền về Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 171/2003/NĐ-CP, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, khi áp dụng Nghị định số 107/2014/NĐ-CP sẽ tăng nặng mức phạt lũy tiến tỷ lệ tương ứng với mức vi phạm vượt trọng tải cho phép.

Lái xe quá tải trọng bị phạt đến 8 triệu đồng

Cụ thể, tăng mức xử phạt lên 12-14 triệu đồng đối với cá nhân và 24-28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% - 60% quy định; Tăng lên xử phạt 14-16 triệu đồng đối với cá nhân và 28-32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 50% - 100%) quy định.

Đặc biệt, tăng mức xử phạt từ 16-18 triệu đồng đối với cá nhân và 32-36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 100%) quy định. Hiện tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định phạt 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi vi phạm này.

ttxvn_0613_cang_sg_aoup.jpgHạn chế phương tiện chở quá tải ngay từ nhà ga, cảng biển. (Ảnh: TTXVN)
Đối với hành vi xếp hàng hóa quá tải lên xe, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, và từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện: Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 40%.

Hiện tại trong Nghị định 171 chỉ quy định mức xử phạt chung từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

Cũng tại Nghị định số 107 quy định không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng đối với hành vi chở vượt quá trọng tải cho phép từ trên 10% - 40% đối với xe tải nhỏ hơn 5 tấn và trên 10% - 30% đối với xe tải từ 5 tấn trở lên. Đối với hành vi vi phạm chở quá tải từ trên 40% - 60%, giảm tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng xuống còn 1 tháng.

Bên cạnh việc giảm thời gian tước Giấy phép lái xe, đối với hành vi cố tình vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải phương tiện ở mức nghiêm trọng, Nghị định 107 đã bổ sung mức xử phạt tăng nặng đối với người lái xe vi phạm.

Cụ thể, phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3 tháng.

Đối với hành vi điều chỉnh kích thước thùng xe để chở quá tải trọng cho phép, ngoài việc áp dụng các quy định kể trên, nếu tái phạm đối với cùng một phương tiện mà phương tiện đó có thùng xe không đúng theo quy định hiện hành, chủ phương tiện còn bị buộc phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.

Lực lượng nào được quyền xử phạt?

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đối với các hành vi vi phạm thuộc diện bị xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông hoặc lực lượng thanh tra giao thông đều có thể thực hiện công tác này.

“Đặc biệt, khi phát hiện hành vi xếp hàng hóa quá tải lên xe, lực lượng thanh tra giao thông có thể vào thẳng nơi xếp hàng để xử phạt. Với hành vi này, bên cạnh lái xe, chủ xe bị phạt thì nơi xếp hàng cũng sẽ bị phạt. Các chủ hàng sẽ bị phạt theo dạng người xếp hàng. Do vậy, tại các điểm bốc dỡ hàng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người xếp hàng”, ônh Hùng nói.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, mặc dù các nhà ga, cảng nội địa và cảng đường thủy đều đã và đang thực hiện cam kết không xếp, dỡ hàng hóa quá tải trọng tại đầu mối trung chuyển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khu vực như vựa nông sản, mỏ vật liệu… mặc dù đã có cam kết không bốc dỡ hàng quá tải nhưng ở một vài nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ GTVT, cùng Bộ Công an sẽ chủ trì cuộc họp sơ kết 1 năm phối hợp xử lý vi phạm tải trọng đường bộ. Tại cuộc họp này 2 bộ sẽ có những báo cáo chính thức về công tác xử phạt hành vi vi phạm trong việc xếp dỡ hàng hóa.

Ông Hùng còn cho hay, hiện nay lực lượng chức năng vẫn phát hiện xe vận tải hàng hóa mặc dù ở trong cảng không vi phạm tải trọng, tuy nhiên khi di chuyển ra ngoài khu vực lái xe vẫn bốc thêm hàng. “Đây là hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng, nếu những địa phương nào đã và đang tiến hành xử lý nghiêm thì hiện tượng này chỉ là hãn hữu”, ông Hùng cho biết./.