Sáng nay (18/11), tại Hà Nội, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với Ngân hàng thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến an toàn đối với người đi môtô, xe gắn máy. Đồng thời đề xuất giải pháp công nghệ để nâng cao sự an toàn khi tham gia giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của các phương tiện nói chung và mô tô, xe máy nói riêng.
Hiện, xe máy là nguyên nhân gây ra hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ tai nạn cho hoạt động tham gia giao thông của người đi mô tô, xe máy.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Hiện nay, vấn đề khó khăn là việc quản lý xe như thế nào cho phù hợp vừa phát huy được ưu điểm, khắc phục những yếu điểm về an toàn và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, vào cuộc của nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế. Chúng ta cần chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đến thiết kế hạ tầng, quản lý tổ chức giao thông, tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật phương tiện… Đặc biệt, chúng ta giáo dục cho người dân có những quyết định đúng đắn”.
Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết, việc sở hữu, sử dụng xe máy là hành vi quen thuộc, khó thay đổi của người dân Việt nam, mặc dù họ cũng có lo ngại về an toàn. Vì vậy, chính sách của chính phủ cần tập trung vào việc quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu xe máy, trong khi cần quản lý cả sở hữu và sử dụng ô tô.
Ông David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của WB nêu ý kiến: “Hiện tại theo quan sát của nhóm nghiên cứu và người dân tham gia giao thông Việt Nam nhiều nội dung có thể được cải thiện đặc biệt là hành vi tại các nút giao thông. Trong đó có việc tuân thủ đèn tín hiệu, rẽ đúng các vị trí. Những vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em cũng cần được lưu ý vì hiện nay tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy chiếm 25%. Đây là 1 cảnh báo để yêu cầu chúng ta có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Việc người dân sử dụng xe máy như thế nào cho an toàn, hiệu quả có vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta có những giải pháp đồng bộ như là chi phí đỗ xe, nhiên liệu, kiểm soát đỗ xe, chúng ta có thể thành công”.
Kết quả của Hội thảo sẽ được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn lọc, sử dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo đảm an toàn giao thông trong năm 2015 và các năm tiếp theo./.