Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Tham vấn báo cáo kết quả dự án nghiên cứu và xúc tiến kết nối thương mại trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và sản phẩm gia cầm”.

Đây là dự án do Chính phủ Đan Mạch tài trợ nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, thủy sản và sản phẩm gia cầm của Việt Nam thông qua việc áp dụng công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp vào chuỗi giá trị của các thành phần kinh tế. Trong số 4 lĩnh vực dự án nghiên cứu gồm chè, khoai tây, cá tra và gia cầm, có 2 lĩnh vực là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là chè và cá tra.

Theo ý kiến các đại biểu, hiệu quả bước đầu của dự án là cơ sở để ngành nông nghiệp áp dụng mở rộng nghiên cứu đối với nhiều ngành hàng nông sản khác, qua đó đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế và nâng cao thu nhập của nông dân.

te_le_bqma.jpgThứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị.
Góp ý về xây dựng chuỗi giá trị, nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung vào các kênh mà sản phẩm nông sản đó có tiềm năng xuất khẩu nhất là các sản phẩm đã qua chế biến sâu như chè đen, khoai tây và cá tra thương phẩm...

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng nhóm tư vấn dự án, ngành hàng chè đen của Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích và thứ 6 về sản lượng trên thế giới. Sản phẩm này không thể chế biến thủ công, nên cần xây dựng đồng bộ chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để nâng cao giá trị.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ: Chính phủ Đan Mạch đã giúp thực hiện dự án này rất kịp thời, qua đó giúp Bộ NN&PTNT có thêm những kinh nghiệm để thực hiện Đề án tái cơ cấu.

“Trong các ngành hàng, việc tiếp cận các dự án và chủ đề dự án là rất quan trọng. Qua đó, thay vì sản xuất theo phân khúc, từng công đoạn, sẽ cố gắng tạo ra chuỗi giá trị cho từng ngành hàng nông sản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí cho các mặt hàng nông sản chính”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Là một nước với hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, Việt Nam có lợi thế nông nghiệp sản xuất được nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm với khối lượng lớn. Nông nghiệp Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là lĩnh vực duy nhất liên tục xuất siêu với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao, kể cả trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn./.