Hôm nay (3/12), Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế, trong đó có nhận xét kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi và đã tăng trưởng nhanh hơn.
Tăng trưởng kinh tế đạt 5,6% năm 2014
Theo báo cáo này, WB khẳng định, đã có các chỉ số ban đầu cho thấy, kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện từ mức 5,4% năm 2013 lên 5,6% năm 2014. Có kết quả khả quan này, theo WB, nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và hiệu quả hoạt động của các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng giúp cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về rủi ro quốc gia, giúp Chính phủ phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế, huy động được 1 tỷ USD với điều kiện khá hợp lý.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Tiềm năng để kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng- hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới”.
Tại báo cáo lần này, WB còn chỉ ra rằng, trong đà phục hồi kinh tế chung thì hiệu quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước có nhiều tương phản. Biểu hiện là khu vực FDI tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng thì hoạt động của khối doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn, với số doanh nghiệp đóng cửa hoặc ngừng hoạt động vẫn gia tăng.
Thuyết trình về các kết quả nghiên cứu chính trong báo cáo, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng, trưởng nhóm báo cáo của WB cũng chia sẻ: Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, nhưng hoạt động của doanh nghiệp trong nước không tương đồng. Điều này thể hiện ở việc doanh nghiệp đóng cửa, phá sản tạm ngừng hoạt động khá lớn trong suốt nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2013, tổng số DN đóng cửa, ngừng hoạt động là 61.000, so với con số 47.000 của năm 2010. Trong 11 tháng của năm 2014, khoảng 67.800 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi có tới 60.300 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.
Theo ông Sandeep Mahajan, trong nền kinh tế thị trường, việc đóng cửa, phá sản doanh nghiệp là điều bình thường, nhưng số liệu đóng cửa đang tăng lên so với mở mới là điều đáng lo ngại. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như còn chịu tác động bởi các yếu tố: tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Hơn nữa, về nội dung cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo đánh giá của WB, mặc dù hoạt động có tích cực nhưng vẫn chậm hơn so với mục tiêu đề ra. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quan điểm rõ ràng về cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhưng theo WB vấn đề quan trọng là phải thực hiện một cách nhất quán và quyết liệt.
Khu vực tài chính hoạt động kém
Theo đánh giá của WB, tín dụng của Việt Nam đã tăng dần nhưng vẫn thấp so mức kỳ vọng, cản trở nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Sameer Goyal, Chuyên gia tài chính cao cấp của WB cho rằng, tăng trưởng tín dụng phần nào vẫn bị ảnh hưởng bởi cân đối tài chính không tốt của các ngân hàng, mối lo ngại về sức khỏe tài chính của bên đi vay, thị trường bất động sản èo uột và nhu cầu tín dụng suy yếu do niềm tin giảm của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Tuy nhiên hoạt động ngân hàng tiếp tục tăng ở mức khá cao, đảm bảo đủ thanh khoản trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong một bối cảnh như vậy ít có khả năng tạo ra nhiều tác động tới tăng trưởng tín dụng chung.
Ngoài ra, hiệu quả hoạt động kém của khu vực tài chính là do một loạt phức hợp các vấn đề về thể chế và quy định pháp lý. Những vấn đề này bao gồm các cơ quan chức năng trung ương và địa phương can thiệp vào các quyết định về đầu tư và tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại nhà nước. Cơ cấu quản trị của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước không phù hợp và năng lực quản trị rủi ro còn yếu.
Ông Sameer Goyal còn chỉ ra rằng, một số ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam cho vay khách hàng có liên quan; cơ sở hạ tầng tài chính còn yếu kém, với những bất cập về các tiêu chuẩn báo cáo tài chính; việc quản lý và giám sát tài chính có khiếm khuyết./.