Doanh nghiệp than khó
Công ty Phương Nam Vina, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có hơn 120 lao động. Do không thể tổ chức được phương “án 3 tại chỗ” nên hơn 100 lao động của công ty phải tạm ngừng việc. Mỗi tháng, để trả 70% lương cho người lao động ngừng việc, công ty này phải chi hơn 1,5 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Trí, Giám đốc công ty TNHH Phương Nam ViNa cho biết, doanh nghiệp rất muốn được tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ để trả lương cho người lao động, nhưng sau khi xem xét các điều kiện vay thì công ty không thể đáp ứng.
“Nói chung những điều kiện Ngân hành Chính sách đưa ra hầu hết các công ty đều gặp khó, do hầu như 80-90% là các công ty phải vướng vào ngân hàng. Rất mong Nhà nước nới lỏng ra những phần siết chặt quá không thì thật sự khó khăn để tiếp cận”, ông Lê Minh Trí đề xuất.
Tương tự, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chế biến, xuất nhập khẩu thuỷ sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, trong thời điểm khó khăn chung từ nguyên liệu, vận chuyển, xuất khẩu… các doanh nghiệp thuỷ sản chỉ được hỗ trợ giãn thời gian trả lãi ngân hàng, còn các gói hỗ trợ khác rất khó tiếp cận vì thủ tục nhiêu khê.
“Chỉ kéo giãn thời gian trả lãi ngân hành thì có, còn tất cả các gói hỗ trợ rất khó, gói hỗ trợ công nhân cũng không được, nợ bảo hiểm xã hội cũng không được. Các uy định thủ tục, hồ sơ, giấy tờ chứng minh được thì rất nhiêu khê, trong khi doanh nghiệp khó khăn thật nhưng muốn tiếp cận được rất phức tạp”, ông Trần Văn Dũng nêu thực tế.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Để tiếp cận nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện theo Quyết định số 23/2021 của Chính phủ. Đó là, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022.
Bên cạnh đó, người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời, phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh... Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp đều vướng vào điều kiện có nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc chưa quyết toán thuế năm 2020.
Theo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong thời gian qua, chi nhánh cũng đã chủ động liên hệ với hơn 700 doanh nghiệp, tuy nhiên, đa phần không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện để vay.
Ông Võ Văn Hoàng, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã hướng dẫn làm thủ tục vay vốn cho 16 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân cho 2 doanh nghiệp vay 1,6 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho gần 300 lao động.
“Trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, Ngân hành chính sách xã hội sẽ thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác phối hợp hỗ trợ các Ngân hàng các huyện để tăng cường hướng dẫn cho vay và tiếp tục triển khai văn bản đến các Sở, ngành đề nghị tăng cường thông tin hồ sơ vay vốn”, ông Võ Văn Hoàng thông tin.
Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68. Trong đó có phương án xem xét bỏ quy định doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Hy vọng, với sự nới lỏng các điều khoản quy định, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay, hạn chế “đứt gãy” chuỗi cung ứng, tạo ra sản phẩm giá trị cho xã hội./.