Dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế- xã hộitrên phạm vi toàn quốc, đồng thời được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm ngoái. Dịch Covid-19 gần như “đóng băng” ngành sản xuất, song các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây cũng là yếu tố góp phần thôi thúc hoạt động chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các đột phá trong sản xuất kinh doanh, hướng tới nền sản xuất thông minh.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng ở một khía cạnh tích cực, sự khốc liệt này lại thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế, dịch chuyển đầu tư, các quốc gia tập trung đẩy nhanh khai thác thế mạnh về chuyển đổi số để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch. Chuyển đổi số không còn là mục tiêu mà là mệnh lệnh hành động của doanh nghiệp đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn và lượng hóa mọi tiêu chí để có một thước đo rõ ràng nhất.
Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, chuyển đổi số trong ngành sản xuất không chỉ đơn thuần là việc tự động hóa dây chuyền sản xuất hay phân tích dữ liệu tốt, mà này còn liên quan đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mới. Việc sẵn sàng thay đổi tư duy và ứng dụng những công nghệ mới sẽ giúp các nhà quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất trong doanh nghiệp của mình.
Covid-19 gần như đã "đóng băng" ngành sản xuất, nhưng nó lại đang là yếu tố thôi thúc các doanh nghiệp trong ngành phải đổi mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và chuẩn bị cho tương lai lâu dài. Tuy nhiên, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện đa phần doanh nghiệp hiện chưa có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, có nhiều quan điểm sai lầm và lạc hậu về chuyển đổi số, dẫn đến quá trình này chưa được thực hiện mạnh mẽ.
Theo đó, có quan điểm cho rằng trong quá trình chuyển đổi số “cá lớn sẽ nuốt cá bé” nhưng thực tế thì “cá nhanh sẽ thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua. Đồng thời cho rằng, chuyển đổi số không phải chỉ chuyển đổi về công nghệ mà còn là về tư duy, cách thức vận hành. Do đó, người lãnh đạo có vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, phải nhạy bén, quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ và có tầm nhìn công nghệ số để có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể.
Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, Quản lý cấp cao kênh đối tác, Microsoft Việt Nam, để có thể chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung vào 5 định hướng quan trọng. Theo đó, phải chuyển đổi lực lượng lao động bằng cách triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động; xây dựng các nhà máy linh hoạt bằng việc áp dụng công nghệ và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất, từ đó thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động; Tiếp theo phải kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, đem lại những trải nghiệm khách hàng trên toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing; Xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, thiết lập những kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng, và triển khai chuỗi cung ứng tự chủ. Đổi mới và tạo ra những dịch vụ mới bằng việc khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt với dịch vụ số và sản phẩm bền vững./.