Thậm chí có dự án đã hoàn thành khối lượng thi công đến hơn 70%, nhưng phần khối lượng còn lại đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án, công trình trọng điểm chưa thực hiện xong.

Công trình kè chống xói lở bờ sông Ba, đoạn qua thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Đơn vị thi công đang huy động nhiều phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình. Đến thời điểm này, dù nhà thầu đã ứng trước chi phí để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng 450m đầu tuyến kè vẫn dẫm chân tại chỗ vì chưa có mặt bằng sạch.

Ông Bùi Hiệp Hội, Chỉ huy trưởng Công trình Kè chống xói lở bờ sông Ba lo lắng: "Nhà thầu đã tự bỏ kinh phí ứng trước để giải phóng mặt bằng đoạn từ 450m cho đến cuối tuyến kè, hiện đã xong rồi nhưng đoạn 450m nữa vẫn chưa được giải phóng".

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư Nắng Ban Mai, đơn vị thi công công trình kè chống xói lở bờ sông Ba, tỉnh Phú Yên cho biết: "Máy móc và con người đang tập trung mà thời gian kéo dài thì nhân công thiết bị nằm chờ không hiệu quả".

Tại tỉnh Phú Yên, hiện có hơn 180 công trình, dự án đang thi công. Trong đó có 15 công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 8 dự án trọng điểm sử dụng hơn 36 ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư. Hiện nay, do vướng mặt bằng nên nhiều dự án, công trình phải thi công cầm chừng, ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư xây dựng của địa phương. Huyện Phú Hòa, là địa phương còn nhiều công trình đang triển khai dang dở do vướng mặt bằng. 

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: "Địa phương cũng bố trí nhân lực phù hợp ưu tiên dự án trọng điểm cấp bách. Địa phương thực hiện đo, quy chủ và áp giá đền bù. Trong quá trình thực hiện, phối hợp với ban ngành đoàn thể cả hệ thống chính trị tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận".

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn nên ít nhất 4 dự án, công trình trọng điểm có kế hoạch hoàn thành trong năm nay sẽ không về đích đúng tiến độ. Nếu tỉnh Phú Yên không có giải pháp quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn này thì việc giải ngân vốn đầu tư công không thể đạt yêu cầu đề ra.

Ông Đàm Thanh Phong, Trưởng phòng Quản lý chất lượng 3, Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên giải thích: "Việc phê duyệt phương án bồi thường giá đất, giá cây rất chậm nên Ban quản lý cũng mong tỉnh sớm ban hành giá đất và địa phương phê duyệt giá cây để có đưa vào phương án đền bù". 

Vướng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ các công trình trọng điểm là vấn đề nóng được các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên nêu lên tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa VIII vừa diễn ra.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. 

"Chúng tôi quyết tâm đến ngày 20/11/2022, phải bàn giao 70% mặt bằng tuyến và đến quý II/2023, bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai thi công dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua tỉnh Phú Yên. Tôi đề nghị gắn trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị địa phương để các chủ đầu tư phải đảm bảo giải ngân hết vốn theo kế hoạch" - ông Hổ nhấn mạnh./.