Nhiều năm trước, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) luôn được biết đến là một trong những khu vực biên mậu sôi động, sầm uất nhất cả nước. Nhưng giờ đây, cảnh tượng sôi động, sầm uất ấy đã nhường lại cho sự tĩnh lặng, đìu hiu đến ngỡ ngàng… Vùng biên Móng Cái hôm nay không khác nhiều so với các thành phố nằm sâu trong nội địa.
Cửa khẩu Ka Long, một chiều đầu tháng 11, thưa thớt bóng người. Ông Hồ Văn Công (quê Thái Bình đến đây từ 15 năm trước), chủ thuyền chuyên chở hàng trên sông cho biết, trước đây Ka Long “trên bến dưới thuyền”, tấp nập hàng hóa, chật chội đến nỗi thuyền bè đậu kín mặt sông, có thể bộ hành từ bên bờ này sang bên bờ kia mà chân không hề ướt nước; là nơi sinh sống, làm ăn của hàng nghìn lao động.
Nhưng đó là chuyện của vài ba năm trước, Ka Long hiện tại “trên có bến, dưới chỉ vài chiếc thuyền”, chiếc chạy chiếc không, hầu như chỉ nằm phơi mưa, tắm nắng, mà không hề nhúc nhích, động đậy.
Ông Trần Văn Lam, người vừa phải bán đi một phần “cơ nghiệp” chua xót: “Mấy năm gần đây kể cả trên bờ và dưới sông đều làm ăn khó khăn. Đã trót sắm phương tiện nên ai cũng cố gắng kiếm việc nhưng hiện nay không có hàng hóa, nhiều người phải bán đò đi. Có người vay ngân hàng đóng đò mấy trăm triệu cũng phải bán để có tiền trả nợ ngân hàng”.
Là người có thời gian gắn bó khá dài với vùng phên dậu Tổ quốc, hiểu rất rõ những “thăng trầm” giao thương của mảnh đất này, nhưng ông Đỗ Xuân Hiền, Đội trưởng đội thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu I, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cũng không tưởng tượng được, một ngày hoạt động biên mậu ở Móng Cái lại “nguội lạnh” đến thế?!
Ông Hiền cho biết, trước đây cửa khẩu Ka Long xuất khoảng 30 container hàng hóa mỗi ngày, mọi người tất bật, vất vả nhưng vui; giờ chỉ còn lại 3 - 4 container mỗi ngày. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Không khí tại cửa khẩu bây giờ ảm đạm. Hàng hóa và cư dân, nhất là cư dân qua lại biên giới công việc cũng không được đảm bảo. Trước đây, một ngày người ta có thể đi được một chuyến hàng, bây giờ phải 2 - 3 ngày mới được một chuyến hàng khiến mức sống của cư dân nơi đây cũng bị ảnh hưởng nhiều”, ông Hiền chia sẻ.
Cách cửa khẩu Ka Long chừng 5 km là bến Lục Lầm, vốn là “thương cảng” xuất khẩu hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất sôi động trên sông Bắc Luân nay cũng tĩnh lặng như tờ.
Tất bật sau một ngày buôn rau, bán trứng, chị Hoàng Thị Lân - người từng có cuộc sống khấm khá nhờ bán nước trà dạo trên bến Lục Lầm đang hối tiếc về một thời chưa xa: “Vài ba năm trước, Lục Lầm xe và người ra vào nườm nượp đêm ngày. Giờ đây, bến bãi vắng hoe, quán nước trà “phá sản”, tôi phải chuyển sang buôn rau ngoài chợ”.
Bến Lục Lầm gần như “đóng cửa” đã kéo theo bao hệ lụy cho hàng trăm lao động và cư dân địa phương. Trên con đường thẳng tắp từ bến Lục Lầm chạy dài theo sông Bắc Luân (đoạn khu 9, phường Hải Hòa, TP Móng Cái) có hàng chục căn nhà, nhưng hầu hết là then cài, cửa đóng.
Anh Vũ Công Hùng, một trong 4 hộ dân còn “trụ” lại khu 9 bến Lục Lầm cho biết, trước đây anh chủ yếu làm nghề khuân vác, “ăn theo” hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giờ không biết làm gì kiếm sống, nhiều người dân ở đây đã bỏ nhà đi làm ăn nơi khác, nên mới có cảnh làng xóm tiêu điều như thế. Và anh, cũng không biết mình còn “trụ” được bao lâu.
“Làm ăn ở đây giờ rất khó khăn, một số người bây giờ đã về quê vì không có việc làm mưu sinh qua ngày. Trước đây một số người cũng có khả năng nhưng trước tình hình này cũng di chuyển hết. Hoàn cảnh gia đình nhà tôi cũng thế, để xem chiều hướng như nào nếu không chúng tôi cũng phải quay về quê hương”, anh Hùng buồn bã cho biết.
Anh Hùng và rất nhiều người dân bến Lục Lầm, Ka Long sẽ khó “trụ” lại vùng biên nếu hoạt động thương mại ở đây vẫn đìu hiu, vắng lặng. Việc người dân bỏ thuyền, xa bến tìm kế mới sinh nhai là điều tất yếu. Điều đang lo ngại hơn là khi cư dân biên giới về xuôi thì còn đâu lực lượng gìn giữ biên mậu, phên dậu tổ quốc? Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Câu trả lời sẽ có ở phần sau của phóng sự này với nội dung: “Cấm biên và những vướng mắc nội tại”./.