Thời điểm 2018, Lọc hóa dầu Nghi Sơn được cho là "hiện thực hóa kỳ vọng trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước". Với tổng vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam; công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô 1 ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô 1 năm...
Thế nhưng, thực tế đã không như tính toán và kỳ vọng của những người thực hiện dự án này, khi đây là dự án "càng làm càng lỗ", làm nhiều lỗ nhiều, làm ít lỗ ít. VOV.VN có loạt 2 bài với nhan đề: "Lọc hóa dầu Nghi Sơn thua lỗ "khủng" - bài học đắt giá về kêu gọi đầu tư", sẽ làm rõ những hệ lụy của việc kêu gọi đầu tư bằng mọi giá khiến cho hiệu quả kinh tế của dự án không đủ bù đắp cho những ưu ái mà dự án được nhận.
Bài 1: Vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay?
Dù được nhận “siêu ưu đãi” nhưng sau ba năm đi vào hoạt động, mức lỗ của lọc dầu Nghi Sơn tổng cộng đã lên đến 61.200 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 của đơn vị đạt 86.675 tỷ đồng thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng.
Từ sự phát triển của khu kinh tế trọng điểm…
Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) được Chính phủ xác định là 1 trong 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020. Tới nay, khu kinh tế này đã và đang thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Sự phát triển của khu kinh tế lớn nhất tỉnh Thanh Hóa làm thay da đổi thịt vùng đất này, đem lại động lực phát triển cho kinh tế tỉnh Thanh Hóa.
Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng đánh giá Khu kinh tế Nghi Sơn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ rất nhiều trong thủ tục hành chính một số dự án đã thực hiện nhanh hơn 12 tháng so với cam kết.
Ông Yong See Leng, Giám đốc Điều hành nhà máy Nortalic cho biết, trong quá trình khảo sát đầu tư, doanh nghiệp đã tìm hiểu nhiều nơi và thấy ở Khu kinh tế Nghi Sơn có đươc vị trí lý tưởng, được sự ủng hộ nhiệt tình, địa điểm chiến lược, có cảng nước sâu, có sân bay, cao tốc Bắc - Nam, triển khai gặp vướng mắc về mặt bằng cũng được địa phương tạo điều kiện nhanh chóng, hiệu quả.
Sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn cũng tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Anh Hoàng Văn Việt ở xã Hải Bình, thị xã Nghi Sơn chia sẻ: “Từ ngày có Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã đã phát triển, riêng bản thân tôi, gia đình cơ hội về làm việc tại quê hương. Ngày xưa, công việc ít, thường phải đi làm ăn xa, giờ có nhiều việc làm, không cần đi làm ăn xa nữa”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn khi đi vào hoạt động đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả khu vực Bắc Trung bộ nói chung. Tới nay, Khu kinh tế Nghi Sơn có trên 200 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 thu ngân sách đạt gần 52.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 37.000 lao động.
… đến việc bù giá hàng chục nghìn tỷ đồng
Bên cạnh sự “thay da đổi thịt” của thị xã Nghi Sơn, sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn thì dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn công trình trọng điểm Quốc gia, “trái tim” của Khu kinh tế Nghi Sơn lại đang được trợ giá, bù giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra ở đây là hiệu quả về thu hút đầu tư có bù đắp được những ưu đãi đang bỏ ra với những nhà đầu tư nước ngoài?
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14, Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều lỗ hổng, bất cập trong cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo tính toán, sau khi bù trừ đi số tiền thuế, tiền phí, tiền thuê đất… thu được từ dự án thì số tiền mà quốc gia phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại là 36.730 tỷ đồng nếu giá dầu là 50 USD/thùng, sẽ là 47.870 tỷ đồng nếu giá dầu là 60 USD/thùng, 64.580 tỷ đồng nếu giá dầu là 75 USD/thùng, 88.100 tỷ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.
Trong đó, tại thời điểm ký cam kết GGU đã phát sinh 3 nội dung ưu đãi trái quy định gồm: Áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trọn đời của dự án; cán bộ, công nhân viên làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.
Với 3 cam kết như trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là nhỏ, nó phải là hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu 3 năm 7% như nêu trên thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn. "Có phải đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay hay không?" - Đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Quang Chiểu đặt câu hỏi.
Càng kinh doanh càng lỗ, âm vốn chủ sở hữu
Trong 3 năm hoạt động từ 2018 - 2020, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào vận hành thương mại, mức lỗ của Lọc dầu Nghi Sơn tổng cộng đã lên đến 61.200 tỷ đồng. Cụ thể, năm đầu tiên đi vào hoạt động thương mại Nghi Sơn đã lỗ 10.412 tỷ đồng, năm 2019 lỗ nâng lên 22.684 tỷ đồng, năm 2020 số lỗ lên mức kỷ lục 28.147 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 50.000 tỷ đồng đã âm hơn 11.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay luôn chiếm 85,7% – 89% tổng chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo một đơn vị xăng dầu, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn lỗ do chi phí tài chính (vốn vay đắt, vay ) thứ hai là do giá dầu thô đầu vào đắt bởi nhà đầu tư liên danh cấp đầu vào (Theo bản cam kết của Chính phủ, Kuwait Petroleum Corporation – một liên danh, sẽ bán dầu thô cho NSRP để dùng cho Dự án NSRP - PV). Lý do thứ ba là chi phí nhân sự lớn khi chi trả cho các chuyên gia nước ngoài rất cao và chi phí vận hành bảo dưỡng cao (khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm), do khó tránh khỏi quản lý lỏng lẻo khi cùng nhiều liên danh, rồi nhiều nước.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển cho rằng, việc bù lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng là hậu quả của thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhiều vấn đề không được tính toán kỹ đưa vào thương thảo ký kết, khi đã ký các hợp đồng, biên bản ghi nhớ thì rất khó xử lý. Câu chuyện bù giá ở dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng không phải trường hợp cá biệt, cũng có nhiều dự án tương tự với những thỏa thuận khi ký với điều khoản bất lợi cho phía Việt Nam, như dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay giai đoạn 2 dự án Gang thép Thái Nguyên…
“Cần tính toán lại cẩn trọng trong vấn đề thu hút đầu tư, khi việc hợp tác mà có những điều khoản bất lợi nhưng vẫn ký đó là thể hiện sự yếu kém trong năng lực đánh giá, thẩm định; trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị khi đi thương thảo hợp đồng. Vấn đề ở dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là bài học kinh nghiệm lớn cho các dự án tiếp theo, các địa phương trong thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, tránh việc mất nhiều hơn được trong ký kết hợp tác đầu tư” - GS.TS Đặng Đình Đào nói.
Ưu đãi cho nhà đầu tư, “dọn tổ đón đại bàng” là việc làm cần thiết để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư bằng mọi giá đã và đang xuất hiện nhiều bất cập, lỗ hổng, gây thiệt hại cho nền kinh tế trong cam kết ưu đãi cho nhà đầu tư./.
Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh do 4 nhà đầu tư tham gia gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 25,1%; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait góp vốn 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản góp vốn 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản góp vốn 4,7%; với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013, đến năm 2017 đi vào hoạt động.