Việc kết hợp cách thức điều hành tỷ giá mới với cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn kế thừa được đánh giá là điểm mạnh của cơ chế tỷ giá |
Vượt qua khó khăn năm 2015
2015 là năm bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, gây áp lực lớn lên điều hành tỷ giá và lãi suất của Việt Nam, vốn đang chịu nhiều sức ép từ các nhân tố nội tại của nền kinh tế.
Theo đó, sự lệch pha chính sách điều hành kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn dự báo và không đồng đều dẫn tới đồng USD tăng giá mạnh, đặc biệt là việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá và phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, kéo theo sự biến động mạnh của TTCK và thị trường tài chính quốc tế, đã kích hoạt yếu tố tâm lý, gây sức ép lớn lên tỷ giá trong nước.
Lãi suất cũng chịu áp lực tăng khi nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhất là vốn dài hạn và cầu ngoại tệ nhập khẩu đều gia tăng trước xu hướng phục hồi tích cực hơn của nền kinh tế, cũng như việc Chính phủ phải tăng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp chi tiêu.
Trong tình hình đó, Việt Nam nổi lên như là một điểm sáng trong khu vực và trên thế giới khi không chỉ đạt được mức tăng trưởng khá cao, mà quan trọng hơn là duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ, nhờ sự linh hoạt, chủ động của chính sách tỷ giá và lãi suất. Trong năm, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá 3% và mở rộng biên độ thêm 2% lên mức ± 3%. Mức điều chỉnh là phù hợp, kịp thời theo như đánh giá từ các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB, ANZ, HSBC) và các chuyên gia trong, ngoài nước.
Ngoài ra, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết thanh khoản hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, nhưng vẫn cân đối để duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp hơn đáng kể so với lãi suất thị trường 1, neo giữ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm thêm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD khoảng 0,2-0,5%/năm, đồng thời vẫn hỗ trợ các TCTD đầu tư vào trái phiếu chính phủ hỗ trợ ngân sách nhà nước. Nhờ đó, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD thậm chí đã thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định.
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước |
Bối cảnh quốc tế và trong nước năm 2016 tạo ra nhiều thách thức hơn nữa đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Trên bình diện quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thận trong hơn với lộ trình tăng lãi suất trong bối cảnh các cực kinh tế lớn như Nhật Bản, Eurozone, Trung Quốc đồng loạt gia tăng các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ vẫn tiếp diễn, USD sẽ còn mạnh lên nữa, tạo áp lực điều chỉnh tỷ giá USD/VND. Sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc khiến nước này có thể hướng tới chính sách đồng Nhân dân tệ yếu, kéo theo xu hướng tiếp tục giảm giá của các đồng tiền khu vực.
Ở trong nước, nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục khó khăn do xuất khẩu chịu tác động từ nhu cầu yếu của kinh tế thế giới, giá dầu duy trì mở mức thấp (quanh mức 40 USD/thùng) và tăng trưởng kinh tế tại các khu vực có nhiều lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tiếp tục giảm. Điều này khiến nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu và kiều hối có thể không cao như mong đợi. Tổng cầu tăng do kinh tế tăng trưởng rõ nét hơn, cộng hưởng với lộ trình tăng giá nhiều dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ làm tăng sức ép lạm phát 2016, được dự báo khoảng 5%, cao hơn nhiều so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, gây áp lực đến lãi suất huy động của TCTD.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm 2015, khiến nhu cầu vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế vốn đã tích tụ lớn sẽ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn lên lãi suất cho vay, nhất là trong điều kiện tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 (ở mức 17,29%) bắt đầu vượt cao hơn tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống (ở mức 15,64%) do kinh tế khởi sắc, tiền nhàn rỗi trong dân cư đã giảm. Thêm vào đó, cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá dầu giảm thấp, gia tăng áp lực lên mặt bằng lợi suất trái phiếu chính phủ, qua đó tạo hiệu ứng lấn át và đẩy áp lực gia tăng đối với mặt bằng lãi suất trung và dài hạn của các TCTD.
Do đó, điều hành chính sách tiền tệ đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài để kiểm soát tốt lãi suất và tỷ giá, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Sau hơn 3 tháng áp dụng cơ chế tỷ giá mới, thị trường ngoại tệ có phản ứng rất tích cực, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015, thanh khoản của thị trường tốt. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, NHNN đã bắt đầu mua được ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời hầu hết các TCTD đã mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN ngày 31/12/2015 vừa qua đã hủy giao dịch kỳ hạn để tự cân đối trên thị trường.
Quan trọng hơn, diễn biến tích cực này của thị trường ngoại tệ diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi.Ngân hàng Nhà nước làm tốt công tác điều hành chính sách tiền tệ
Vào tháng 1/2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tiếp phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ với tổng mức phá giá lên tới xấp xỉ 1,1%, TTCK Trung Quốc 2 ngày phải ngừng giao dịch do lao dốc trên 7%, kéo theo sự sụt giảm trên một loạt các TTCK lớn, giá dầu chạm đáy hơn một thập kỷ, đồng tiền nhiều nước châu Á giảm giá mạnh.
Như vậy, việc thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động mạnh là một xu hướng trái ngược hẳn so với năm 2015. Diễn biến này cho thấy điểm thành công nhất trong cách thức điều hành tỷ giá mới đã giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, giảm thiểu tác động bất lợi tới tỷ giá.
Mặt khác, cách thức điều hành tỷ giá mới cũng làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua. Do đó, với những chính sách hiện nay, nếu không có những cú sốc mạnh và bất ngờ từ thị trường quốc tế, có cơ sở để khẳng định tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016.
Về điều hành lãi suất, mục tiêu quan trọng là vừa phải điều tiết thanh khoản hài hòa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD, vừa phải đảm bảo hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các TCTD đầu tư vào trái phiếu chính phủ, không để lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao, qua đó tác động trở lại đến lãi suất dài hạn trên thị trường tiền tệ, gián tiếp cản trở đến mục tiêu ổn định lãi suất cho vay của các TCTD.
Trên cơ sở đó, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. Đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới về cung ứng tiền phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ, nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Với các giải pháp này, tuy áp lực đối với lãi suất trong năm nay là lớn, nhưng mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.