Tỷ lệ khá cao người dân vẫn phải vay vốn từ khu vực phi chính thức

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 179.120 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng; trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

tin_dung_chinh_sach_mepr.jpg
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo (ảnh minh họa: KT)

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%). Đặc biệt, tín dụng chính sách được đánh giá đã góp phần quan trọng vào giảm nghèo (giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,25% cuối năm 2015), đẩy lùi tín dụng đen…

Nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi được đánh giá ngày càng lớn. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó, việc tăng nguồn cung vốn tín dụng chính sách là nhu cầu thiết thực để tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Theo ThS. Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng, về quy mô cung ứng tín dụng, mặc dù tỷ lệ người trưởng thành ở khu vực nông thôn Việt Nam tiếp cận được vốn vay ở khu vực chính thức là khá cao so với các nước, nhưng quy mô cung ứng vẫn chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu thực tế của khu vực này.

"Nhờ vay vốn tín dụng chính sách, rất nhiều người nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững đồng thời tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo khác. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới."- ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Theo kết quả điều tra nghiên cứu của CIEM, IPSARD, DERG (2011), World Bank (2014) và Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của NHNN (2016), các hộ gia đình nông thôn Việt Nam vẫn phải tiếp tục dựa vào các nguồn tín dụng phi chính thức, trong đó gia đình và bạn bè đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo nguồn số liệu điều tra của World Bank (2014), trong số 48,5% người dân nông thôn đang nắm giữ ít nhất một khoản vay thì tỷ lệ nắm giữ khoản vay ở khu vực chính thức là 20,7%. Như vậy, bên cạnh việc tiếp cận tín dụng từ khu vực chính thức, vẫn có một tỷ lệ khá cao người dân vẫn phải vay vốn từ khu vực phi chính thức, chưa kể những người vay ở khu vực chính thức nhưng vẫn phải vay thêm ở khu vực phi chính thức trong đó một nguồn vay tương đối lớn ở khu vực nông thôn là các khoản vay từ bạn bè, người thân với tỷ lệ là 30%.

ThS. Nguyễn Thị Hòa cho rằng, việc tồn tại các cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo là tất yếu. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để tăng cường khả năng đáp ứng về nhu cầu vốn cũng như đảm bảo được tính bền vững của một cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo.

Một yếu tố chủ chốt quyết định sự thành công của các chương trình tín dụng cho người nghèo, theo ThS Hòa, là sử dụng các trung gian xã hội để huy động, tổ chức và định hướng người dân không chỉ sử dụng vốn vay mà còn tiếp cận được các dịch vụ kèm theo, đạt được các điều kiện trao đổi tốt hơn, và vượt qua được những khó khăn khác. Tức là cần phải nhìn nhận tín dụng không phải là một công cụ can thiệp riêng lẻ mà là một cấu phần trong một chiến lược tổng thể để xóa đói giảm nghèo và trao quyền cho người nghèo.

Cần đa dạng hóa nguồn cung, nâng mức cho vay

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, tín dụng chính sách làm giảm sức thu hút của thị trường tín dụng đen đối với người dân, giúp họ không phải tìm đến với các khoản tín dụng nặng lãi. Cho nên, để phát triển tín dụng chính sách bền vững, theo PGS. TS. Hảo, bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước, phải đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế.

Chẳng hạn, huy động nguồn vốn trên thị trường hay tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm và dịch vụ huy động tiền gửi cần phải đa dạng, minh bạch với tất cả các khách hàng, hấp dẫn không chỉ về lãi suất, kỳ hạn mà còn có tính linh hoạt trong lãi suất, trong các dịch vụ khác mà khách hàng có thể sử dụng được….

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất: tín dụng chính sách cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Ông Thi cũng đề nghị điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhất là đối với các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, giúp người nghèo tiếp cận và tham gia được vào chuỗi giá trị thị trường.

Còn bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT, cho rằng mức cho vay hiện nay đối với một hộ là thấp và lạc hậu cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình giá cả thực tế hiện nay./.