Sau 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, ở tỉnh Gia Lai đã có trên 80.000 hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Bên cạnh việc quản lý vốn vay chặt chẽ, các đối tượng vay vốn đã nỗ lực sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, và đã có hơn 26.000 hộ thoát nghèo.
Một thời gian dài, gia đình bà Mal, dân tộc Ba Na ở thôn 1, thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai cứ luẩn quẩn trong nghèo đói. Dù có đất đai, vườn tược, nhưng không có vốn đầu tư nên chỉ trồng được cây sắn, cây ngô, mà cũng không đủ ăn.
Bà Mal đã thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng cà phê và chăn nuôi |
Bà Mal nói: “Được vay vốn ưu đãi nên gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn của để. Vừa rồi cũng xây được cái nhà, phấn khởi lắm. Gia đình tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế hơn nữa để năm nào đón Tết cũng vui”.
Để đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, Ngân hàng chính sách xã hội các huyện trong tỉnh Gia Lai đã thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng buôn làng. Tổ có nhiệm vụ tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Đồng thời, các thành viên trong tổ còn giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cà phê, hồ tiêu, hoa màu đạt năng suất cao. Cùng với đó, các thành viên trong tổ vay vốn còn giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn.
Ông Lê Văn Binh Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Từ năm 2007 đến giờ, tôi tham gia vào tổ vay vốn thấy bà con đều nộp đủ tiền lãi hàng tháng. 100% hộ gửi tiết kiệm để vay vốn đều trả lãi hiệu quả”.
Cũng như các địa phương khác ở vùng Tây Nguyên, tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số nhiều nơi còn lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt. Vì vậy, đội ngũ cán bộ tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội ở cơ sở, phải thường xuyên bám làng, bám dân; tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Ông Võ Hồng Sơn, Cán bộ tín dụng, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai, nói: “Có những xã cách 60-70 km đường sá đi lại khó khăn, đường đất mùa mưa thì trơn trượt có khi là xe máy cũng không tới nơi được. Nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng hàng tháng ít nhất một, hai lần xuống từng làng để vận động bà con vay vốn và sử dụng đồng vốn có hiệu quả”.
Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ở tỉnh Gia Lai đạt hơn 3.000 tỷ đồng với 13 chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai. Trong 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đã giúp gần 60.000 lượt hộ nghèo, hơn 20.000 lượt hộ cận nghèo và khoảng 1.500 hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã giúp gần 26.000 hộ thoát nghèo.
Ông Đinh Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của trung ương và địa phương để tiếp tục triển khai cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn. Đảm bảo các hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thì phải được tiếp cận với nguồn vốn này”.
Tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo là chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm giúp người nghèo có điều kiện vươn lên. Tại tỉnh Gia Lai, chính sách này đã và đang được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách và Xã hội thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương./.