Tham gia vào số vốn của Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội có 10% số vốn của Tổng Công ty Nhà nước (SCIC) và 67% số vốn của Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế và Đầu tư sản xuất (CIRI) (Bộ Giao thông - Vận tải). Kể từ khi cổ phần hoá (năm 2002), Công ty luôn trong tình trạng tăng trưởng… âm. Điều đáng nói, 5 năm qua, Công ty không tổ chức Đại hội cổ đông, HĐQT đã hết nhiệm kỳ vẫn không bầu lại, nhiều hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra.

Trong bối cảnh Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đang đi vào cuộc sống, những biểu hiện bất thường liên quan trực tiếp đến việc quản lý đồng vốn của Nhà nước tại Công ty này là không thể chấp nhận được, cần phải được xem xét, ngăn chặn, kịp thời rút ra bài học chung.

Lấy đất Nhà nước cho thuê kiếm lời, bỏ mặc sản xuất tiêu điều

Sau khi cổ phần hoá, HĐQT Công ty Cơ kim khí Hà Nội vạch ra chiến lược sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát huy các ngành nghề truyền thống là: sản xuất kinh doanh sản phẩm kết cấu thép và cơ khí, xây dựng công trình gia dụng, chế tạo gia công mạ kẽm, mạ kim loại, mua bán kim khí, vật tư cho ngành mạ… Tuy nhiên, do việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh yếu kém, công tác quản lý bị buông lỏng, tổ chức khoán để các phân xưởng sản xuất tự quyết định chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm, trong khi đó, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, không được đầu tư đổi mới, đã dẫn tới hiệu quả kinh doanh liên tục thua lỗ.

Cụ thể: năm 2003 (sau 1 năm cổ phần hoá), Công ty lỗ trên 638 triệu đồng; năm 2004, lỗ 768 triệu đồng, … năm 2008, lỗ 932 triệu đồng; năm 2009, lỗ 776 triệu đồng; 10 tháng đầu năm 2010, lỗ 732 triệu đồng. Tổng số tiền thua lỗ qua các năm là gần 6 tỷ đồng.

kim-khi-ha-noi-trong.jpg

Trụ sở Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội

Có dịp đến nhà máy, phóng viên được chứng kiến một khung cảnh khá đìu hiu. Nằm trên khu vực được đánh giá là khu “đất vàng” tại cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Nội, thế nhưng xung quanh nhà máy, cỏ dại mọc um tùm, khu nhà 3 tầng - nơi được coi là “Tổng hành dinh” của Công ty - cũng mốc meo, nhiều phòng cửa đóng then cài, máy móc thiết bị thì gần như “trùm mền” nằm im ỉm. Lác đác mới thấy một vài tốp thợ làm những công việc thủ công…

Bên bờ vực phá sản, HĐQT lẽ ra phải tìm ra những biện pháp nhằm phát huy tối đa ngành nghề truyền thống vốn là thế mạnh bao năm qua của Công ty, thế nhưng, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Mạ - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty, hoạt động của Công ty hầu như chỉ đơn giản là… cho thuê lại các “khu đất vàng” được Nhà nước cho sử dụng. Cụ thể, năm 2004, Công ty được UBND TP. Hà Nội cho thuê 260,8m2 tại số 6 Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm để xây dựng văn phòng; năm 2005, được thuê 11.106m2 đất tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội làm trụ sở đặt nhà máy.

“Núp” dưới “chiêu” hợp tác kinh doanh, Công ty đã lần lượt cho các đơn vị, cá nhân thuê đất, với hơn 11.000m2 đất tại Thanh Liệt, trong cùng một ngày (1/4/2008), Công ty ký liền 2 hợp đồng cho thuê, một hợp đồng ký với Công ty cổ phần Phát hành sách và Thiết bị trường học cho thuê 315,86m2 để làm xưởng sản xuất, hợp đồng thứ 2 ký cho Công ty Hoàng Dung thuê 517m2. Ngày 28/1/2008, Công ty lại ký hợp đồng cho Công ty Thương mại Thái Sơn thuê hơn 1.000 m2. Ngày 14/1/2008, ký cho Công ty TNHH Phương Ngọc thuê 217m2… Tất cả các hợp đồng thuê đất kể trên, Công ty ký với thời hạn từ vài tháng đến nhiều năm. Lô “đất vàng” tại Hàng Gà cũng vậy, cũng cho một cá nhân thuê với giá 4 triệu đồng/tháng…

“Ve sầu thoát xác” 

Đứng trước nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước và vi phạm pháp luật của HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội, 2 cổ đông lớn là SCIC với 10% cổ phần và CIRI với 67% cổ phần đã nhiều lần có công văn gửi HĐQT đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Điều 97, Mục 2, Luật Doanh nghiệp quy định: Đại hội cổ đông phải họp hằng năm trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, kể từ sau khi tổ chức Đại hội cổ đông ngày 10/12/2005, đến nay, HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội không tiến hành bất kỳ Đại hội cổ đông nào. Đáng lưu ý là, HĐQT nhiệm kỳ 5 năm (2005- 2009) do ông Nguyễn Văn Mạ làm chủ tịch, tính đến nay cũng đã quá thời hạn quy định 1 năm, nhưng cũng “phớt lờ” không tổ chức họp Đại hội cổ đông để bầu lại HĐQT mới…

Trong lúc các cổ đông đang lo “sốt vó” vì “đem trứng gửi cho ác”, nguồn vốn đầu tư có nguy cơ bị thâm thủng và tìm đủ mọi cách để tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thì HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí lại có những động thái khó chấp nhận. Nhiều cổ đông gọi đó là chiêu “ve sầu thoát xác”.

Cụ thể, bằng các Quyết định số 81/QĐ-DN ngày 15/12/2010 và Quyết định số 63, ngày 25/11/2010, Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội “đẻ” ra 2 Công ty con có tên gọi: Công ty TNHH một thành viên Cơ kim khí Hà Nội 1 và Công ty TNHH một thành viên Cơ kim khí Hà Nội 2. Hai Công ty con này đều do ông Cung Tiến Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT làm Giám đốc (?!).

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 109; Khoản 8, Điều 112, Luật Doanh nghiệp năm 2005, HĐQT phải có ít nhất 3 thành viên và cuộc họp của HĐQT để quyết định các vấn đề lớn của Công ty chỉ được tiến hành khi có 3/4 tổng số thành viên HĐQT trở lên dự họp. Trong trường hợp số lượng thành viên HĐQT chỉ có 3 người thì chỉ khi có đủ cả 3 người tham dự mới đủ điều kiện tiến hành cuộc họp HĐQT. Trên thực tế, từ năm 2005 đến nay, HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội chỉ có 3 người là ông Nguyễn Văn Mạ - Chủ tịch, ông Cung Tiến Hưng - Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Ngọc Hiếu - ủy viên.

Bằng giấy xác nhận ngày 18/4/2011, ông Nguyễn Ngọc Hiếu khẳng định: Kể từ ngày 22/4/2008 đến nay, ông Hiếu không nhận được Giấy mời họp dưới bất kỳ hình thức nào từ HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội và cũng không được tham gia, góp ý bất kỳ vấn đề gì liên quan đến việc thành lập các Công ty con. Nếu đúng như vậy, việc HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội tổ chức họp để ra các quyết định thành Công ty con mà không đủ 3 thành viên HĐQT là hoàn toàn trái luật, tính pháp lý của 2 Công ty con kể trên không được đảm bảo.

Xin được nói thêm, trước thời điểm thành lập 2 Công ty con, ông Nguyễn Văn Mạ, với tư cách là người đại diện theo pháp luật đã trực tiếp ký kết Hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư với CIRI (cổ đông góp tới 67% vốn) để triển khai dự án ở cả 2 “khu đất vàng”. Cụ thể, ở Thanh Liệt là dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng, nhà ở”; còn tại số 6 Hàng Gà là dự án “Văn phòng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, giao dịch”.  Tại các Hợp đồng hợp tác đầu tư, 2 bên cam kết không phát sinh pháp nhân mới. Nhưng cuối cùng thì sao? Hai pháp nhân mới vẫn ra đời, và lạ hơn, lại làm chủ 2 lô đất nói trên, mặc cho CIRI đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để khởi động 2 dự án.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao ông Chủ tịch HĐQT lại bước qua quy định của pháp luật, bước qua những gì đã cam kết trong hoạt động của Công ty, cố tình “đẻ” ra 2 Công ty con để nhằm mục đích gì?

Hơn 260m2 nhà, đất tại số 6 Hàng Gà được định giá tương đương 2m2 đất trên cùng địa bàn

Bạn đọc sẽ tìm thấy câu trả lời qua thực tế sau đây: Công ty cổ phần Cơ kim khí đã “qua mặt” các ngành chức năng như Kế hoạch và  Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội tự ý làm thủ tục chuyển giao tài sản, gồm bất động sản và quyền sử dụng 2 lô đất tại Thanh Liệt và số 6 Hàng Gà cho 2 Công ty con với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Việc định giá toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất  khu đất có diện tích 260,38m2 tại số 6 Hàng Gà chỉ có 650 triệu đồng, tương đương với giá 2m2 đất tại khu vực này. Còn việc định giá tài sản tại Thanh Liệt trên diện tích 11.116 m2 cũng rẻ bất ngờ, chỉ với giá 2,8 tỷ đồng, tương đương với giá 1 căn hộ chung cư tại Hà Nội (!?).

Xâu chuỗi các sự kiện, từ việc cố tình không tổ chức Đại hội cổ đông, không bầu lại HĐQT mới, đến việc bất chấp pháp luật thành lập các pháp nhân mới, HĐQT Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội đang âm mưu gì tiếp theo? Có gì đảm bảo, với 2 pháp nhân mới ra đời trái qui định, được sử dụng những lô đất “vàng” lại không tiếp tục “diễn” ra những hành vi vi phạm pháp luật khác? Trong bối cảnh Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã và đang đi vào cuộc sống, những biểu hiện bất thường liên quan trực tiếp đến việc quản lý đồng vốn của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội là không thể chấp nhận được, cần phải được xem xét, ngăn chặn, kịp thời rút ra bài học chung./.