Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết, tính đến ngày 20/3, cả nước có 252 dự án vốn FDI mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 2,046 tỷ USD, bằng 61,4% so với cùng kỳ năm 2013.  Đến 20/3, có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,287 tỷ USD, bằng 39,3% so với cùng kỳ năm 2013.

fdiquyi.jpg
Tổng số vốn FDI cấp mới và tăng thêm vào công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I là 2,332 tỷ USD

Tính chung trong quý I/2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,334 tỷ USD, bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do trong quý I năm 2013 có một số dự án rất lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư (dự án Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD).

Về lĩnh vực đầu tư, trong quý I, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 141 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,332 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 288,3 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 226,7 triệu USD.

Quý I, có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu, Nhật Bản đứng vị trí thứ hai, British Virgin Islands đứng vị trí thứ 3.

Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất quý I với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 788,8 triệu USD, chiếm 23,66% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn TP HCM đứng thứ 2 và Đồng Nai đứng thứ 3.

Cũng trong quý I, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,850 tỷ USD, tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2013./.