Theo số liệu tổng hợp từ Vinatex, tính đến thời điểm 31/12/2013, tổng nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn là 3.403.529 triệu đồng, trong đó, khoản đầu tư ngắn hạn là 137.977 triệu đồng, đầu tư vào các công ty con 1.484.027 triệu đồng, đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết 1.269.675 triệu đông và các khoản đầu tư dài hạn khác là 511.850 triệu đồng.
Được biết, đối với các khoản đầu tư dài hạn khác, được Vinatex đầu tư vào một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, bất động sản...
Hiện tại, Vinatex đang triển khai lộ trình để thoái vốn đầu tư để tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính của mình.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2014, Vinatex sẽ hoàn thành việc thoái vốn 21/37 khoản đầu tư, dự kiến thu hồi 917 tỷ đồng (giá trị sổ sách) tương đương 85% giá trị vốn cần thoái theo Quyết định 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu đặt ra trong lộ trình thoái vốn vào cuối năm nay là như vậy, nhưng việc thu hồi được đúng khoản tiền đề ra là 917 tỷ đồng hay không, lại không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Vinatex.
Một câu hỏi không mới đặt ra cho Vinatex là, liệu có nhà đầu tư mua lại phần vốn mà Vinatex đã góp vào các doanh nghiệp này trong thời gian từ nay đến cuối năm 2014, khi người mua đang có quá nhiều lựa chọn, bởi lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang trong giai đoạn quyết liệt? Trong trường hợp chấp nhận bán dưới mệnh giá, thiệt hại là bao nhiêu?
Theo kế hoạch, ngày 22/7 tới, Vinatex sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM./.