Năm 2013, Ngành Dệt may Việt Nam đã đạt tăng trưởng vượt chỉ tiêu, đạt trên 20 tỷ USD, trong điều kiện thị trường trong và ngoài nước đều có nhiều khó khăn. Phóng viên VOV online có cuộc phỏng vấn ông Lê Tiến Trường, Phó TGĐ Thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam, về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 và định hướng cho năm 2014.
PV: Năm 2013, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 20,4 tỷ USD, trong đó riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam ước đạt 2,9 tỷ USD. Xin ông cho biết có được kết quả nổi bật này do đâu?
Mặt khác, lương cơ bản của lao động ở một số nước đang phát triển tăng rất nhanh, khiến họ giảm thiểu lượng xuất khẩu. Chi phí đầu vào của các sản phẩm dệt may cũng tăng. Chính sách bảo hộ đầu vào của ngành dệt may thế giới (đặc biệt là một số nước sản xuất bông) khiến cho giá bông tăng cao, làm thay đổi nhịp độ tăng trưởng chung của dệt may thế giới. Ngược lại cũng có một số nước có chính sách tiền lương, cơ chế kêu gọi đầu tư, chính sách về chiến lược dài hơi, có sự hỗ trợ của nhà nước… đã tác động đáng kể tới mức tăng trưởng nhanh xuất khẩu dệt may.
Từ bối cảnh dệt may thế giới nói trên, chúng tôi đưa ra những chiến lược cụ thể cho ngành DMVN nói chung và Vinatex nói riêng. Kêu gọi các DN trong Hiệp hội DMVN, trong đó vai trò dẫn dắt là Vinatex, cần đầu tư phát triển có chiều sâu vào sản phẩm cốt lõi, chiến lược đầu tư đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển của toàn Ngành và Tập đoàn; hiện đại hóa thiết bị công nghệ, tạo khả năng cạnh tranh cao về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và năng suất lao động (NSLĐ). Tôi muốn lưu ý là NSLĐ nói chung của Vinatex và toàn Ngành phát triển mạnh trong năm 2013.
Vinatex có định hướng chuyên đề về mô hình quản lý LEAN ở ngành may; chuyên đề làm hàng ODM, bài học kinh nghiệm đầu tư tối ưu cho ngành sợi, dệt. Các giải pháp này đã huy động sức mạnh tổng hợp để triển khai thành công chiến lược của Tập đoàn.
PV: Tập đoàn đang và sẽ làm gì để cùng Ngành DMVN chuyển dần từ việc tăng trưởng theo số lượng (chiều rộng) sang nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hóa (chiều sâu), thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường:Tập đoàn đang tập trung vào chiến lược đầu tư công nghệ, thiết bị theo mô hình quản lý LEAN đối với may, nghiên cứu phát triển quan điểm này sang khâu sợi, dệt, nhuộm để tạo nên mô hình quản trị năng động, tinh gọn, phát huy nỗ lực xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ công ty mẹ xuống công ty con, tạo sức cạnh tranh tốt nhất, quản lý chi phí tiết kiệm nhất, tinh gọn nhất, mang lại NSLĐ cũng như hiệu quả cao nhất.
Tập đoàn cũng định hướng chiến lược đầu tư vào nguyên liệu, sản phẩm cốt lõi có tính khác biệt mà DN ở dưới không làm được. Ví dụ, đầu tư dòng sản phẩm sợi cao cấp, vải len, các loại sợi đặc biệt tạo khác biệt cao khi dệt vải. Tập đoàn đang có hàng loạt dự án nhà máy sợi, nhà máy dệt nhuộm trọng tâm là len và yarn-dyed để tận dụng cơ hội phát triển, hội nhập từ các Hiệp định thương mại, nhất là TPP.
Hệ thống nhà máy nguyên liệu này cung ứng cho thị trường nội bộ các DN thành viên của Tập đoàn, cũng như phát triển ra thị trường toàn Ngành. Dự kiến Ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Năm 2013, Ngành xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, nếu xuất khẩu tăng như dự báo, năm 2015 Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 25 tỷ USD, lúc đó giá trị tạo ra tại Việt Nam khoảng 13-14 tỷ USD.
PV: Thị trường nội địa với 90 triệu dân có tiềm năng như thế nào cho ngành DMVN? Tập đoàn có ưu tiên gì trong phục vụ thị trường nội địa?
Ông Lê Tiến Trường:90 triệu dân là một thị trường khổng lồ, sức hấp thụ thời trang tiềm năng. Vì vậy, Tập đoàn và Ngành đã có sự chuẩn bị để phục vụ thị trường này. Sự chuẩn bị này phải hết sức bài bản, từ nghiên cứu thị trường, thiết kế, sản xuất cho đến khâu phân phối. Đặc biệt khâu thiết kế phải từ lĩnh vực sợi, dệt, vải yarn-dyed; thiết kế từ màu sắc trên nền vải trơn, cho đến khâu sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mốt và hệ thống phân phối có độ phủ rộng.
Vinatex đang phấn đấu sản xuất các sản phẩm phục vụ người trong nước tốt hơn, giá cạnh tranh, đa dạng mẫu mã hơn |
Ban điều hành Tập đoàn, dựa trên cơ sở Fadin, đang nghiên cứu xây dựng hai trung tâm thiết kế. Hiện nay, các DN mạnh như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Hòa Thọ, Phong Phú đều có trung tâm hoặc phòng thiết kế. Đặc biệt là trung tâm thiết kế của Công ty CP Quốc tế Phong Phú, của tổng công ty Việt Tiến với đội ngũ thiết kế mạnh, đã thiết kế đa dạng: từ thiết kế vải, đến đồ jeans, kaki, thêu, thiết kế mẫu giặt, quần áo. Tập đoàn cũng đã có hệ thống phân phối Vinatexmart với hơn 70 siêu thị trên toàn quốc.
Chúng tôi phấn đấu sản xuất các sản phẩm phục vụ người trong nước tốt hơn, giá cạnh tranh, đa dạng mẫu mã hơn; đảm bảo tiêu chuẩn hóa kích thước để phục vụ người tiêu dùng trong nước.
PV: Tập đoàn đã chuẩn bị những gì cho việc tham gia thị trường khi Hiệp định TPP được ký kết?
Ông Lê Tiến Trường:Trong quá trình 15 năm qua, Tập đoàn đã xây dựng chiến lược tập trung cải thiện tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động và nâng cao vị thế cạnh tranh của Tập đoàn. Trong thời gian chuẩn bị cho TPP, Tập đoàn đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược này với tốc độ nhanh hơn để đón đầu yêu cầu mới của Hiệp định. Tập đoàn đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp trọn gói trong chuỗi cung ứng toàn cầu, được xác nhận bởi các nhà trung gian, nhà mua hàng, nhà phân phối trên thế giới.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng khoảng 12 – 13%/năm. Điều này chứng tỏ thị phần của dệt may Việt Nam luôn được cải thiện tại thị trường Hoa Kỳ. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ năm nay, bên cạnh câu chuyện về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam còn có sự đón đầu, chờ đợi của các nhà nhập khẩu đối với Hiệp định TPP. Nếu TPP được ký kết sớm, tốc độ tăng trưởng có thể được duy trì 15 – 20% trong giai đoạn 2013 – 2017.
PV: Định hướng và mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2014 của Tập đoàn là gì, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường:Năm 2014, trong định hướng tái cấu trúc Tập đoàn, cụ thể là việc cổ phần hóa, Tập đoàn sẽ tiến hành IPO vào nửa đầu năm 2014 là nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của Tập đoàn.
Mục tiêu cụ thể là duy trì tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu trọng yếu trên 10%, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 12%. Xây dựng chiến lược sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ các cơ hội đón đầu Hiệp định TPP. Với vai trò tiên phong, đi đầu, Vinatex phải có đội ngũ chuyên gia đầu ngành về luật, chuyên gia chiến lược thị trường, thiết kế thời trang, quản trị hệ thống, để tạo sức mạnh khi ta hội nhập, nắm bắt cơ hội phát triển.
Vinatex phải tiếp tục khẳng định tầm dẫn dắt toàn Ngành, là đơn vị dệt may hàng đầu Việt Nam, có khả năng cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Xây dựng chiến lược truyền thông hình ảnh của Tập đoàn nói riêng và toàn Ngành nói chung, tạo hiệu ứng nhận biết dòng sản phẩm dệt may Việt Nam trên thế giới, nhận biết thế mạnh và sản phẩm cốt lõi của Vinatex.
Năm 2014, Tập đoàn DMVN sẽ có bước đổi mới toàn diện từ mô hình quản lý Doanh nghiệp nhà nước sang mô hình Tập đoàn cổ phần, đổi mới tầm nhìn và giải pháp chiến lược để Tập đoàn vững vàng trước cơ hội mà hiệp định thương mại TPP, các FTA mang lại. Tập đoàn chắc chắn sẽ có bước bứt phá, phát triển tăng trưởng ổn định bền vững và hiệu quả toàn diện từ công ty mẹ Tập đoàn đến các công ty thành viên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!