Đó là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 28/5 tại TP. HCM.
Hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia" . |
Theo các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành điện, từ năm 2016 đến nay, ngành điện Việt Nam đã đảm bảo cung cấp điện nhưng các nguồn điện trong nước hiện đang cạn hoặc khó phát triển. Riêng năm 2018, công suất ngành điện đạt 48.560 MW, trong đó EVN cung cấp 28.164 MW.
Theo quy hoạch điện đã điều chỉnh, nguồn điện đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 là 21.650 MW và đến hết năm 2018 đã thực hiện được 9.760 MW.
Cụ thể, nguồn thủy điện cơ bản đã khai thác hết tiềm năng; nhiệt điện khí có giá thành cao và phụ thuộc vào giá khí nên không phát triển được; nhiệt điện than phát triển khó khăn do thiếu vốn và địa phương lo ngại ô nhiễm môi trường; các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đang được đầu tư phát triển, phụ thuộc vào thời tiết nên chưa đủ khả năng bổ sung điện theo nhu cầu.
Vì vậy, với nhu cầu điện cho phát triển như hiện nay, trước mắt, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu điện, chủ yếu từ Trung Quốc và Lào. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ hai quốc gia này, dự kiến mua thêm 3.000 MW vào năm 2025, tăng lên 5.000 MW vào năm 2030.
Để đảm bảo chủ động điện cho sản xuất, sinh hoạt, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió thì phải phát triển nhiệt điện than với các ràng buộc cụ thể cho nhà đầu tư về tiến độ xây dựng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo quy hoạch điện Việt Nam, đến năm 2030, nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện của hệ thống nhưng hiện có nhiều dự án không phát triển được, cần phải tháo gỡ khó khăn ngay để giải tỏa nguy cơ thiếu điện.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, ngành điện ngoài việc phát triển nguồn cung điện, còn phải thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ điện năng, khi phê duyệt dự án điện cần gắn với hiệu quả sử dụng điện.
PGS-TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Năng lượng vẫn theo tinh thần phải sản xuất đủ điện để phục vụ nhân dân. Còn nhân dân, nhà sản xuất tiêu dùng thế nào thì ít khi bàn đến nơi đến chốn. làm sao chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận. Không có điện thì sẽ giảm sức cạnh tranh, bị tụt hậu”./.
Nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc để giảm nguy cơ thiếu điện?