Năm APEC Việt Nam 2017 là một trong những trọng tâm đối ngoại của Việt Nam. Và cho đến thời điểm này, chúng ta đã sẵn sàng về nội dung, cơ sở vật chất để có thể tổ chức một Năm APEC thành công. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2017.

vov_ptt_2_bcxh.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Những ưu tiên Việt Nam đưa ra hết sức phù hợp với các thành viên APEC

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2006, chúng ta đã là chủ nhà của APEC và đến năm 2017 này, chúng ta lại là chủ nhà của APEC nhưng với một tâm thế và vị thế khác. Sự kỳ vọng của các nền kinh tế với chủ nhà Việt Nam tại APEC 2017 này cũng khác.

Việt Nam sẽ có trách nhiệm cao hơn trong bối cảnh thế giới hiện nay đang có xu hướng tăng cường bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc, dân túy, đặt ra những thách thức lớn với quá trình liên kết trong APEC.

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, tại APEC lần này, 4 ưu tiên được Việt Nam đưa ra là: Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực, và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và nhất trí cao. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, các ưu tiên mà Việt Nam đưa hết sức phù hợp với các nền kinh tế thành viên APEC, đó cũng là lý do các nước hết sức ủng hộ những ưu tiên này. Bên cạnh đó, điều quan trọng là các ưu tiên này rất phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

“Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ nhà khi đáp ứng yêu cầu và quan tâm của các nền kinh tế APEC, đồng thời gắn được những yêu cầu, mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với các ưu tiên đó”, Phó Thủ tướng nhận định.

Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà của APEC 2017 ở vào giai đoạn quyết định của việc hoàn thành mục tiêu Bogor đề ra đến năm 2020, trong đó có việc hoàn thành tự do hóa thương mại và tự do về đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại APEC 2017, chúng ta cũng phải cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng tầm nhìn sau năm 2020. Đây là vai trò hết sức quyết định của nước chủ nhà trong việc phối hợp với các nước để bắt đầu xây dựng tầm nhìn sau năm 2020, sau mục tiêu Bogor.

Sẵn sàng cho một Năm APEC thành công

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để chuẩn bị cho Năm APEC 2017, ngay từ giữa năm 2015, Việt Nam đã thành lập Ủy ban nhà nước về APEC. Từ đó đến nay, chúng ta đã tích cực chuẩn bị từ nội dung, công tác tổ chức, cho đến cơ sở vật chất hạ tầng. Cho đến thời điểm này có thể nói chúng ta đã bước đầu hoàn tất quá trình chuẩn bị, bảo đảm đáp ứng được tốt nhất việc tổ chức các hội nghị trong Năm APEC 2017.

Tại Đà Nẵng - địa phương được lựa chọn tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC (sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC 2017), cơ sở vật chất tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tốt nhất cho các hội nghị trong Tuần lễ cấp cao với sự tham dự của gần 10.000 đại biểu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã lựa chọn ra 10 tỉnh, thành phố để tổ chức hàng trăm sự kiện, hoạt động diễn ra trong suốt cả Năm APEC, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, sự đổi mới của Việt Nam kể từ khi tổ chức Năm APEC 2006.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, một trong những mục tiêu quan trọng nữa đó là việc đưa người dân, các doanh nghiệp tham gia vào công tác chuẩn bị APEC vì đây là các hội nghị liên quan đến phát triển kinh tế, liên quan đến lợi ích tự do thương mại cụ thể với người dân, doanh nghiệp.

 

Ngoại giao phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế đất nước

Nhận định về vai trò của ngoại giao trong việc phát triển kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, năm 2016 cũng như những năm trước đây, ngoại giao có nhiệm vụ tham mưu cho Nhà nước theo dõi đánh giá tình hình kinh tế, diễn biến kinh tế của thế giới và khu vực, từ đó đóng góp vào việc hoạch định chính sách phù hợp. Ngoại giao kinh tế luôn được xác định là một trong những trụ cột của ngành ngoại giao.

Trong năm 2016, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã bám rất sát tình hình kinh tế thế giới, đồng thời đóng góp, phân tích khá sát thực tình hình kinh tế thế giới và khu vực. Theo Phó Thủ tướng, hàng tháng Bộ Ngoại giao đều có báo cáo về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, những nhận định của các tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam để giúp Chính phủ có một bức tranh toàn diện hơn về tình hình kinh tế thế giới và khu vực.

Bộ Ngoại giao cũng tích cực tham gia vận động, tạo nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế thông qua việc vận động tiếp tục các nguồn ODA cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn một nước phát triển có mức thu nhập trung bình. Năm 2016, chúng ta vận động các nước công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam, đảm bảo khi chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do hay các liên kết kinh tế việc được công nhận nền kinh tế thị trường là tiêu chí để hàng hóa của chúng ta được xuất khẩu sang các nước.

Ngoại giao tiếp tục vận động giúp các địa phương, các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu ra bên ngoài./.