Ngày 15/1, hội thảo mang tên “Việt Nam - con rồng mới của ASEAN” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (CCIP) phối hợp với Cơ quan phát triển giao thương quốc tế (UBIFRANCE) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, tổ chức tại Sở giao dịch thương mại ở trung tâm thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.
Đây là sự kiện mở đầu cho loạt hoạt động trong năm 2013 kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp. Chủ đề của hội thảo đã nói lên tiềm năng của Việt Nam cũng như mối quan tâm và sự chờ đợi của giới doanh nghiệp Pháp đối với thị trường này.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã nêu bật những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, được đánh dấu bằng quá trình cải cách và phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu và hội nhập quốc tế…
Đặc biệt, trong hai năm 2011 và 2012, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế chung của thế giới, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương (tuy có giảm hơn) tương ứng là 5,9% và 5,2%. Hiện Việt Nam có các nhà đầu tư từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 13.700 dự án và tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 200 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Pháp là những doanh nghiệp đầu tiên đến với Việt Nam ngay từ khi Việt Nam tiến hành chính sách mở cửa, không chỉ với nguồn vốn mà còn với các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực mà Pháp có tiềm năng. Pháp là nhà đầu tư đứng thứ hai châu Âu ở Việt Nam (sau Hà Lan) với 340 dự án và tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh, Pháp và Việt Nam đang chuẩn bị thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp của hai bên tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe các chuyên gia kinh tế từng làm việc ở Việt Nam trình bày các tham luận nêu bật những khó khăn và thuận lợi cũng như những thách thức khi đầu tư ở Việt Nam. Đa số các nhà phân tích cho rằng Việt Nam còn tồn tại ba thách thức cơ bản đó là các doanh nghiệp Nhà nước sức cạnh tranh kém; môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, còn hiện tượng tham nhũng và hệ thông chính sách thiếu ổn định; dân số đông (khoảng 125 triệu người vào năm 2025), lực lượng lao động trẻ, khoảng 60% dưới 30 tuổi; và có sở hạ tầng phát triển không đồng bộ…
Nói về một trong những khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp Pháp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Edgard Nguyen, luật sư tham dự hội thảo, cho biết: “Một vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam là hệ thống các văn bản luật, các văn bản luật thiếu tính thống nhất và thiếu nguyên tắc công bố áp dụng, không có quyết định của tòa án hay thủ tục nào. Khi không có các văn bản luật quy định về an ninh pháp lý, nó sẽ tạo kẽ hở cho tệ quan liêu phát triển ở các mức độ khác nhau. Trong hoạt động đầu tư kinh doanh cũng vậy, các thủ tục pháp lý còn khá nặng trên hai khía cạnh giấy phép đầu tư cho các loại hình đầu tư và sự phân biệt các dự án theo lượng vốn đầu tư”.
Tuy nhiên, các đại biểu đều đánh giá các doanh nghiệp Pháp đang có nhiều thuận lợi trong việc đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Việt Nam đang trên đường phát triển mạnh trong khối các nước ASEAN, có nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và tạo điều kiện đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng vào làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Gilles Dabezies, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (CCIP) cho biết: “Một phần quan trọng trong chính sách kinh tế hiện nay của Chính phủ Việt Nam là nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Chúng ta đã thấy sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam những năm qua, mặc dù Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn và nông nghiệp vẫn chiếm 21% giá trị của nền kinh tế. Do vậy, tôi cho rằng các doanh nghiệp Pháp có cơ hội và sẵn sàng phát triển một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh ở Việt Nam nhằm mục đích giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp”./.