Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/12 cho thấy, chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm ngày 1/12 của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng kỳ, trong đó những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 42,1%, chế biến và bảo quản thủy sản tăng 28,6%...

Mặc dù việc tăng lượng hàng tồn kho trong năm 2012 đã được dự báo trước, tuy nhiên những con số nói trên cho thấy, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện và sẽ có chiều hướng xấu hơn vào năm 2013.

kho-xi-mang.jpg
Lượng hàng tồn kho xi măng ở mức lớn. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình cấp thiết đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Chính phủ đã tập trung đưa ra các mục tiêu cơ bản trong tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất, giải quyết bài toán hàng tồn kho. 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, để giải quyết dứt điểm tình trạng hàng tồn kho trong thời gian sớm nhất, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu theo đúng quy định.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, việc phân bổ vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch năm 2013 cần tập trung cho những dự án có sức lan tỏa lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh, sinh viên. Kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu và trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, đảm bảo hiệu quả. Các địa phương cần có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước, sớm ký các hiệp định thương mại với các đối tác. Bộ Kế hoạch – Đầu tư thực hiện phê duyệt sớm các đề án xúc tiến thương mại ngoài nước năm 2013; nắm bắt, cập nhật tình hình thị trường bổ xung kịp thời các đề án có hiệu quả, xây dựng phương án hỗ trợ bổ sung, trong đó tập trung mở rộng thị trường có tiềm năng.

Đối với các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp chống buôn lậu, xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, mặt hàng, đối tượng (cửa khẩu đường bộ, cảng biển, sông quốc tế, sân bay quốc tế, bưu điện quốc tế, tuyến đường vận chuyển hàng hóa tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu, phương tiện vận tải, hành khách quá cảnh).

Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập – tái xuất hàng chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan hàng cư dân biên giới, hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan, hàng xách tay để ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế. Trong thời gian tới, Bộ cần thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồnnhân lực, thủ tục hành chính.

Riêng đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ chỉ đạo Bộ cần phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn và công nghệ cao. Đẩy mạnh việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp; triển khai nhanh hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài về nhân lực, chuyển giao công nghệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bảo đảm các điều kiện cần thiết để tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong đó chú trọng giải phóng mặt bằng, đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực điện, giao thông.

Bộ Công thương cần chú trọng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm tồn kho lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng… tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất đối với các lĩnh vực  nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Đồng thời, Bộ tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư, nhất là thủ tục về đầu tư, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản, đăng ký kinh doanh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đặc biệt chỉ đạo các địa phương có tồn kho sản phẩm bất động sản lớn, cần hạn chế tối đa sử dụng nguồn từ ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư. Nên dùng nguồn vốn này để mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp, phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên. Bộ Tài chính tính toán, báo cáo Chính phủ hỗ trợ ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu này.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, các Bộ, các ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước, thế giới để chủ động dự báo và có các biện pháp điều hành phù hợp. đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ bằng nhiều hình thức thích hợp, bảo đảm tính khách quan, trung thực nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về các vấn đề được xã hội quan tâm./.