Không chỉ là nơi sinh ra những thương hiệu nổi tiếng như H&M, Volvo, Electrolux, IKEA…, Thụy Điển còn được đánh giá là “thiên đường” của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên thế giới.

Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, thủ đô Stockholm của Thụy Điển có số lượng startup tỷ USD nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Thung lũng Silicon (Silicon Valley) của Mỹ.

thuydien_aitl.jpg
Thụy Điển là mái nhà của hàng vạn startups thành công. (Ảnh minh họa: Reuters).

Các startup khổng lồ như Spotify – dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới, Mojang (nhà phát triển game Minecraft) hay King Digital Entertainment (nhà phát triển game Candy Crush Saga) đều được thành lập tại quốc gia Bắc Âu này.

Skype cũng khởi đầu ở Stockholm trước khi “chuyển nhà” sang thủ đô Berlin của Đức.

“Máu” khởi nghiệp

Thụy Điển là một quốc gia có mức thuế cao, người lao động được nhận phúc lợi xã hội hào phóng và có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Điều này có vẻ như có thể “gây hại” cho tinh thần kinh doanh, bởi theo lý thuyết, thuế thu nhập cao làm giảm lợi nhuận mong đợi của doanh nghiệp và làm giảm động lực để người dân thành lập các công ty mới. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), xếp hạng Thụy Điển cao nhất trong các quốc gia phát triển về khả năng nhận thức cơ hội. Khoảng 65% người Thụy Điển trong độ tuổi từ 18 – 64 nghĩ rằng có nhiều cơ hội tốt để mở một công ty nơi họ sinh sống, so với 47% người Mỹ cũng nhóm tuổi có cùng suy nghĩ. Nhờ đó, từ những năm 1990, tốc độ các công ty mới ra đời tại Thụy Điển đã tăng lên nhanh chóng.

Stockholm cho ra đời số lượng công ty công nghệ cao trị giá hàng tỷ USD trên đầu người cao thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Thung lũng Silicon. Thụy Điển có 20 startups với trên 1.000 nhân viên, so với con số 5 startups ở Mỹ, theo số liệu của OECD.

Thụy Điển cũng đã tạo ra hệ thống vườn ươm doanh nghiệp và các khu công nghệ cao nơi các ý tưởng và sáng tạo được ươm mầm và phát triển, nơi các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư và góp phần thu hút tài năng và những công nghệ mới nhất trên toàn cầu.

Nhận thức được tác động công nghệ và sáng tạo của công nghệ thông tin, Chính phủ Thụy Điển đã trợ cấp một phần giá thành máy vi tính trong những năm 90. Trẻ em lớn lên và phát triển cùng máy tính, cùng với kỹ năng tin học được hỗ trợ đã bùng phát sớm tại Thụy Điển, kết quả là Thụy Điển là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế số.

Nhân viên được nghỉ việc để… khởi nghiệp

Theo thông tin từ WEF Forum, Thụy Điển là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép tất cả các nhân viên có thể nghỉ việc trong vòng 6 tháng để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến thành phố Stockholm trở thành cái nôi của rất nhiều công ty khởi nghiệp mới.

Đã 20 năm nay, các nhân viên tại Thụy Điển được nhận một quyền lợi mà không nước nào trên thế giới có, đó là "tjänstledighet", theo đó, họ có thể nghỉ việc trong vòng 6 tháng để mở công ty khởi nghiệp cho riêng mình.

Bộ luật Quyền được nghỉ để thực hiện hoạt động kinh doanh tạo ra một trong những quyền chỉ có tại Thụy Điển, cho phép nhân viên được nghỉ làm việc để tiếp tục học tập hoặc chăm lo cho gia đình, hoặc phát triển ý tưởng kinh doanh...

Sự hiện diện của những tên tuổi lão làng như Spotify và Skype đã góp phần làm rạng danh “thiên đường” khởi nghiệp Thụy Điển. (Ảnh minh họa: The Atlantic).

Một trong những mô hình startup thành công nhờ bộ luật này chính là Spotify. Được thành lập từ 2006, công ty này đã thực hiện cổ phần hóa vào năm ngoái và niêm yết trên sàn New York Stock Exchang với giá trị vốn hóa lên tới 24,5 tỷ USD.

Vài công ty nữa cũng có thể kể tới là Skype (đã được Microsoft mua lại vào 2011 với giá 8,5 tỷ USD) và Mojang (công ty đã làm ra game Minecraft, và đã cũng được Microsoft thâu tóm với giá 2,5 tỷ USD vào năm 2014).

Bất cứ nhân viên chính thức nào đã làm việc được ít nhất 6 tháng tại công ty đều có quyền nghỉ 6 tháng để khởi nghiệp. Công ty chỉ có thể từ chối đề nghị của nhân viên nếu họ nắm giữ vai trò quá quan trọng và ý tưởng khởi nghiệp của họ trùng lặp với công ty mà họ đang làm.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hiện đang có một xu hướng là người đi làm sẽ tạo một công ty nhỏ cho riêng mình và vận hành nó vào những lúc không làm công việc chính. Vào thời gian rảnh, họ dành sức lực để kiếm thêm thu nhập ngoài nguồn lương chính. Họ có thể tranh thủ làm dịch vụ taxi, đưa thư một vài giờ, vẽ tranh hay làm đồ thủ công để bán trên "chợ mạng". Theo Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), ở Mỹ có khoảng 16,5 triệu người làm việc theo hình thức này.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố Báo cáo cạnh tranh toàn cầu, trong đó nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo và biến nó thành động lực tăng trưởng. Các quốc gia như Đức, Mỹ và Thụy Sĩ đều được đặt tên là các cường quốc đổi mới, nhưng đối với hầu hết các nước khác, năng lực đổi mới vẫn còn hạn chế, rất cục bộ hoặc tồn tại chỉ trong một vài lĩnh vực./.