Tối 24/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổ chức trao giải cho 53 doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may lần thứ 8”. Danh hiệu này nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu có  2 doanh nghiệp tiêu biểu  là Tổng công ty CP May Việt Tiến (DN tiêu biểu nhất trong 10 năm liên tục từ 2004 - 2013) và Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Thay mặt cho Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chúc mừng 53 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu đại diện cho hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may Việt Nam được tôn vinh nhân dịp này.

img_5691.jpg
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp tiêu biểu

Phó Thủ tướng khẳng định: Ngành dệt may Việt Nam đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước và đã giải quyết việc làm cho trên 2,5 triệu lao động. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều bất ổn, xuất khẩu dệt may giai đoạn 2010 – 2013 vẫn giữ được tăng trưởng tốt. Năm 2013, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2010 và 18% so với năm 2012. Đây là kết quả hết sức đáng khích lệ trong điều kiện khó khăn của cả nước. Điều này đã chứng tỏ những nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may cũng như những người lao động trong ngành. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên đứng trong top 7 nước xuất và xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

Phó Thủ tướng đánh giá cao và coi đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, kịp thời biểu dương và khích lệ những mô hình tiên tiến và là nguồn động viên cho các doanh nghiệp của người lao động trong toàn ngành tiếp tục phát triển đi lên.

“Tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam rất lớn trong việc tham gia tái cơ cấu nền kinh tế và có khả năng giải quyết phân khúc cao hơn chứ không phải là giải quyết một ngành lao động đơn thuần. Bước vào giai đoạn 2014 – 2020, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, như vậy, cơ hội của chúng ta nhiều hơn. Tôi tin rằng, bên cạnh cơ hội rất lớn thì cũng đồng nghĩa với thách thức lớn. Chính vì vậy, đòi hỏi cán bộ quản lý của các doanh nghiệp dệt may cần phải năng động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa thì chúng ta mới năm bắt được cơ hội này. Nếu chúng ta không nắm bắt, chúng ta sẽ thất bại và không chuyển mình lên một giai đoạn mới hơn, có giá trị gia tăng cao và đẳng cấp hơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng gợi ý những biện pháp cụ thể để các doanh nghiệp dệt may có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. Trước hết, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về việc áp dụng các phương pháp quản lý, công nghệ nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải phấn đấu làm thế nào đến năm 2015 ngành dệt may trở thành ngành có thu nhập loại khá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng giá trị sản xuất.

Phó Thủ tướng nói: “Chính phủ cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện để ngành dệt may có điều kiện phát triển tốt trong những năm tới, trong đó có việc tiếp tục duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Đấy là điều mà các doanh nghiệp mong muốn nhất…”./.