Cùng với câu chuyện siết chặt quản lý vận tải hành khách bằng đường bộ, xử lý xe quá khổ quá tải, thì việc nhiều dự án đường sắt đô thị đội vốn với con số “khủng” đã trở thành vấn đề “nóng” của ngành giao thông vận tải thời gian qua. Dư luận có quyền hoài nghi, chờ đợi câu trả lời: vì sao hầu hết các dự án đều chậm tiến độ vài năm và đội vốn từ 60 đến 170%?

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng, đến nay tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được biết đến như một trong những công trình “điển hình” về khả năng “đội” vốn. Nếu như cuối 2011 khi khởi công dự án, số vốn được tính toán là 552 triệu USD, thì nay đã “đội” lên thành 891 triệu USD (tăng thêm khoảng 60% so với số vốn ban đầu).

duongsatdothi_ftny.jpgTuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đội vốn với con số khủng

Lý giải về sự gia tăng đột biến này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vân tải cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở khoản trượt giá và việc bổ sung nhiều hạng mục như: đường dẫn Depot, đường tránh quốc lộ 6 nhà ga Yên Nghĩa (dự tính ban đầu là làm nhà tạm nay mở rộng theo quy hoạch gần 2 triệu USD), thay đổi vỏ tàu Inox, bổ sung đào tạo chuyển giao công nghệ…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: Có một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trượt giá, trượt giá giữa đồng tệ và đồng USD. Lúc ký hợp đồng tại dự án này tệ là 7,1 nhân dân tệ đổi 1 USD. Còn tại thời điểm này là 6,1 tệ đổi  1 USD. Do vậy, riêng trượt giá giữa tệ và USD đã là 16%.

Không chỉ tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn với con số khủng mà trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều điển hình khác cho thực trạng này. Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu hơn 19.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự kiến thời gian hoàn thành sẽ chậm lại 3 năm, tổng mức đầu tư cũng sẽ tăng lên 51.000 tỷ đồng. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 783 triệu euro, nhưng nay đã phải điều chỉnh lên 1,1 tỷ euro.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng cho rằng, nguyên nhân chính của việc hầu hết các dự án đường sắt đô thị bị “đội” vốn “khủng” là do nghiên cứu dự án sơ sài, không nắm chắc về kỹ thuật, công nghệ, hướng tuyến và giải pháp. Cùng với đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn nhà tài trợ dự án.

Theo kiến trúc sư Hoàng Tùng Anh, Công ty tư vấn xây dựng VAV, muốn biết dự án đội vốn như thế thì phải tách từng hạng mục để khớp được con số, đối chiếu so sánh cụ thể: “Liên quan đến việc phát sinh chi phí đầu tư dự án, tôi cho rằng việc thẩm định báo cáo dự án đầu tư chưa chặt chẽ. Thứ hai là việc lựa chọn nhà thầu triển khai dự án phụ thuộc vào kinh nghiệm của tổng thầu. Các đơn vị trong nước chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án. Chúng ta cần phải tách bạch các hạng mục để tính toán chi phí phát sinh”.

Cùng với việc đội vốn từ 60 đến 170% thì hầu hết các dự án đường sắt đô thị cũng chậm tiến độ, mà thời gian luôn được tính bằng năm này sang năm khác. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện cả nước có 16 dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 2 đến 5 năm.

Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ được các ban ngành, chuyên gia nhận định là do việc thực hiện giải phóng mặt bằng chưa hiệu quả, nơi quyết liệt, nơi “đủng đỉnh”; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa chặt chẽ… Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vân tải nói: “Dự án triển khai chậm do giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong. Giải phóng mặt bằng tách theo quyết định 1665 của Chính phủ. Do vậy, thành phố Hà Nội cho các quận huyện, thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Còn lại chính phủ, Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đủ vốn khi có yêu cầu. Và chúng tôi đã cấp đủ vốn, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của Hà Nội”.

Trước thực trạng, hầu hết các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, “đội” vốn với con số “khủng”, đặc biệt là tuyến Cát Linh-Hà Đông, vừa qua, đại diện Ban quản lý đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã trấn an dư luận rằng, sẽ không có chuyện tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông “đội” vốn thêm một lần nữa. Tuy nhiên, với những gì đã, đang diễn ra không ai dám chắc 891 triệu USD là con số cuối cùng cho đoạn đường vẻn vẹn 13km này./.