Những động thái mới trên thị trường cho vay tiêu dùng đang cho thấy sự quyết liệt cạnh tranh đã lên đến đỉnh điểm. Thời gian này, nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để thu hút khách hàng, với mức lãi suất khiến nhiều người bắt đầu “so đo” với lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, ngân hàng vẫn “treo” những giá trị cho vay không thực tế.
Ưu đãi không dành cho tất cả
Chỉ cần đến một trung tâm thương mại nào đó vào giai đoạn cuối năm này, người tiêu dùng dễ bị “ngợp” với các chương trình cho vay mua trả góp của cả ngân hàng lẫn các công ty tài chính. Một điểm chung mà hai tổ chức tín dụng này đang áp dụng đó là các chương trình vay mua sản phẩm là trả góp với lãi suất 0%.
Với sản phẩm tương đồng, chương trình ưu đãi cũng giống nhau, chắc hẳn người tiêu dùng thiên về phía ngân hàng để vay. Bởi, các nhà băng lúc nào cũng tạo cho người ta cảm thấy an tâm về mức lãi suất phải trả. Về lý thuyết, người vay lựa chọn ngân hàng là đúng. Thế nhưng khi đi vào tìm hiểu cụ thể mới thấy, để vay được ngân hàng không phải dễ, nhất là với những người không sở hữu thẻ tín dụng của một nhà băng nào đó.
Nhiều ngân hàng đang tung ra chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để thu hút khách hàng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, đi sâu hơn nữa vào quá trình vay, người mua mới thấy sự “trần ai” lắm quy định ràng buộc. Thứ nhất, không phải ai cũng có thẻ tín dụng ANZ. Thứ hai, khi muốn làm thẻ ANZ không phải ai cũng đủ điều kiện để mở thẻ. Trong đó, điều kiện thu nhập tối thiểu 7 triệu đồng qua ngân hàng là rào cản cực kỳ lớn đối với những công nhân viên chức bình thường. Đó là chưa kể trả góp quá hạn sẽ bị tính lãi phạt từ 20-30% tùy ngân hàng. Phí thường niên phải đóng mỗi năm dao động từ 250.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (tùy loại thẻ)…
Không chỉ ngân hàng nước ngoài, một số ngân hàng trong nước như Sacombank, Techcombank, Vietcombank… cũng có điểm chung là điều kiện mở thẻ khắt khe. Điều đó lý giải vì sao thời gian qua, dù rất muốn vay trả góp ở ngân hàng nhưng phần lớn người tiêu dùng đều chọn những gói sản phẩm của công ty tài chính. Lý do rất đơn giản, thủ tục rất đơn giản, điều kiện cho vay thông thoáng...
Hướng tới mô hình vay chuẩn
Với các gói cho vay tiêu dùng có lãi suất, phải thừa nhận rằng lãi suất vay tại công ty tài chính khá cao. Thế nhưng, mức lãi suất đó cũng đi kèm nhiều bằng chứng khá thuyết phục. Một vài lãnh đạo cao cấp của công ty tài chính không ngại khẳng định rằng, họ đang bán sản phẩm đúng và đủ. Trong đó, yếu tố quan trọng mà giới này muốn truyền tải đến người tiêu dùng là có rất nhiều yếu tố cấu thành vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng, khiến giá phải cao hơn.
Thứ nhất, chi phí vốn của công ty tài chính rất cao do họ không có chức năng huy động vốn. Thứ hai, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 - 8 tháng, thậm chí 4 - 5 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ… cao hơn bình thường. Thứ ba, do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại.
Chính vì vậy, khi tách bóc các chi phí, có thể nói rằng công ty tài chính đang đưa ra mức giá hợp lý. Ngoài ra, cũng cần hiểu rằng, mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính được điều chỉnh tùy theo mức độ rủi ro của từng đối tượng vay. Theo đó, có những người vay chỉ 1,6 - 2,7%/tháng, trong khi có những người phải vay tới 5%/tháng.
Trong khi đó, các khoản vay tại ngân hàng nói lãi suất rẻ cũng không công bằng. Bởi, nếu xét theo lãi suất vay qua thẻ của các ngân hàng hiện ở mức 22,9-35%/năm. Có chăng, các ngân hàng đang miễn phí 1 tháng lãi suất đầu tiên cho khách hàng. Đây là mức ưu đãi mà các công ty tài chính chưa làm được. Tuy nhiên, có một điểm mà người tiêu dùng có quyền kỳ vọng đó là sắp tới, công ty tài chính nhiều thay đổi trong cách tính lãi suất.
Bởi cách đây chưa lâu, trong một cuộc gặp gỡ, Tổng giám đốc của một công ty tài chính lớn tại Việt Nam đã đưa ra một dự báo rất đáng chú ý. Đó là trong 2 năm tới, 80% các hợp đồng mua trả góp sẽ có lãi suất 0%. Theo đó, nguồn thu của công ty tài chính (đơn vị gần giống như môi giới, hay hỗ trợ nhà phân phối bán được hàng) sẽ đến từ hoa hồng, các khoản phí, chia sẻ trên doanh thu với các đối tác thay vì tính lãi suất dựa trên mức độ rủi ro cho vay như trước.
Từ đây, một lãnh đạo công ty tài chính cũng hy vọng, người vay có thể hiểu công ty tài chính cho vay lãi suất cao có lý do chính đáng. Theo đó, không nên nghĩ lãi suất cho vay bao nhiêu mà hãy nghĩ: Ai sẽ cho mình vay khi cần?./.