Việc các ngân hàng thương mại cũng như công ty tài chính cùng tham gia cho vay tiêu dùng khiến không ít người thắc mắc sự khác nhau giữa sản phẩm của ngân hàng và công ty tài chính là gì, nên vay ở đâu và cần chú ý những gì khi vay? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia tài chính - ngân hàng và luật sư chuyên ngành nhằm để làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Vay tiêu dùng tại các công ty tài chính khác với vay tiêu dùng tại ngân hàng thương mại ra sao, người đi vay có thể vay ở những lĩnh vực nào?
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: Dịch vụ vay tiêu dùng của các công ty tài chính có những điểm khác căn bản với vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Thứ nhất, thủ tục vay vốn qua công ty tài chính đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần có chứng minh thư, sổ hộ khẩu là có thể được xem xét cho vay. Còn vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại thì thủ tục lại đòi hỏi nhiều hơn như phải chứng minh được khả năng trả nợ, các khoản vay lớn phải có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng không nhất thiết phải có tài sản thế chấp.
Thứ hai, là sự khác biệt về mức cho vay. Các công ty tài chính đáp ứng các khoản vay nhỏ, đa dạng từ mức vài triệu đến vài chục triệu, trong khi các ngân hàng thương mại thường cho vay các khoản lớn.
Thứ ba, là sự khác biệt về đối tượng vay vốn. Sản phẩm vay tiêu dùng của các công ty tài chính đáp ứng rộng rãi nhu cầu của khách hàng đối với các vật dụng dùng cho cá nhân và hộ gia đình, từ chiếc điện thoại, ấm điện, tủ lạnh... đến những sản phẩm lớn như ô tô, xe máy. Trong khi, các ngân hàng thương mại lại chỉ thường cho vay các khoản lớn hơn như cho vay nhà thế chấp, sửa chữa nhà, mua ô tô...
Thứ tư, là vấn đề về lãi suất. Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường cao hơn so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO: Về cơ bản vay tiêu dùng tại công ty tài chính và ngân hàng là giống nhau, chỉ khác một bên là công ty tài chính, một bên là ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, về lãi suất, điều kiện, đối tượng cho vay, lãi quá hạn đều giống nhau. Điểm khác nhau là ở chính sách của từng tổ chức tín dụng. Vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại thường phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, phức tạp hơn nên lãi suất thường thấp hơn so với công ty tài chính.
PV: Không ít khách hàng đánh giá vay tiêu dùng tại các công ty tài chính phải chịu lãi suất cao. Việc các công ty áp dụng lãi suất cao như vậy có hợp lý và nguyên nhân do đâu?
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: Không thể so sánh mức lãi suất sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng của các công ty tài chính với mức lãi suất các sản phẩm cho vay của ngân hàng thương mại, vì đó là những sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Có những yếu tố sau đây đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính và khiến giá của sản phẩm cho vay tiêu dùng cao hơn.
Thứ nhất, nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại, bởi do công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư.
Thứ hai, là chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay, cho vay tiêu dùng tín chấp là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín cá nhân được đánh giá bởi tổ chức tín dụng dành cho một khách hàng mà không cần phải thế chấp tài sản. Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng tín chấp có rủi ro cao, nên lãi suất phải cao hơn so với cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp của ngân hàng thương mại.
Thứ ba, giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 - 8 tháng, thậm chí 4-5 tháng) dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO: Lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, vì một loạt lý do như việc huy động vốn để cho vay của công ty tài chính khó khăn hơn ngân hàng, nên thường phải trả lãi cao hơn. Tiền cho khách hàng vay được tiêu dùng hết và trả nợ bằng nguồn khác, nên tổ chức tín dụng khó nắm bắt và kiểm soát được dòng tiền. Ngoài ra, các khoản vay thường nhỏ, nên chi phí cao. Cùng với đó là nguyên nhân do tài sản thế chấp không có hoặc khó xử lý, nên rủi ro lớn...
PV: Trên thực tế, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa bên vay và bên cho vay do những bất đồng về lãi suất, cách thức trả nợ… Vậy trước khi vay người tiêu dùng cần chú ý những gì?
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: Ở nước ta, kênh tín dụng tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và 90 - 95% khách hàng là những khách hàng mới - những người trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân lần đầu tiên. Những trở ngại về kiến thức này nếu không được quan tâm đúng đắn có thể khiến một số người dân ngần ngại khi tiếp cận với vay tiêu dùng và dẫn đến những khiếu nại, tranh luận đáng tiếc sau này giữa người vay và bên cho vay. Vì vậy, người vay cần nắm vững các thuật ngữ và khái niệm được sử dụng khi vay tiêu dùng.
Thực tế, khi vướng phải bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thỏa thuận để được vay tiêu dùng cá nhân, bao gồm cả thuật ngữ tài chính, người dân có thể yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp giảng giải để hiểu rõ những nội dung mình sẽ đặt bút ký.
Trước khi ký xác nhận các cam kết được nêu trong hợp đồng, khách hàng cần quan tâm đọc kỹ hợp đồng tín dụng để đảm bảo hiểu rõ các quyền lợi và nghĩa vụ được nêu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO:
Khi vay tiêu dùng, cần chú ý vào mức lãi suất, các khoản phí và các điều kiện trả nợ khác. Mặt khác, thời hạn vay càng ngắn càng tốt, nếu vay dài thì lãi suất sẽ cao hơn và rủi ro về lãi suất và trả nợ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ./.