Chiều 11/5, ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị.
Qua gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, địa phương này đã có nhiều nỗ lực hướng tới xây dựng thành trung tâm kinh tế-du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước.
Đặc biệt, xây dựng Khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước đã có những kết quả ban đầu.
Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hoà vẫn chưa phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế; về tài nguyên nguyên biển, đảo; tài nguyên văn hoá, con người… cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế biển theo mục tiêu mà Kết luận 53 đã đề ra. Đặc biệt, việc phát triển khu kinh tế Vân Phong chưa tương xứng với tư cách là một động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thế mạnh, tiềm năng phát triển của Khánh Hòa còn rất lớn. Đây là tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với 385km bờ biển; thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không và là tỉnh có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam, thuận lợi giao thông hàng hải và phát triển logistics...
Theo ông Trần Tuấn Anh, Khu kinh tế Vân Phong với những ưu thế vượt trội mà không có địa phương nào trên cả nước có được, nếu có cách làm đúng sẽ hoàn toàn có thể tạo được bước đột phá trong phát triển của tỉnh thời gian tới. Vân Phong phải hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, nơi có sự gắn kết chặt chẽ, có tác động thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau phát triển giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp (thuỷ, hải sản) và dịch vụ; về thể chế và mô hình phát triển; về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh; về sự kết nối và thúc đẩy nhau cùng phát triển...
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, đề xuất một số cơ chế đặc thù, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có quy mô lớn đến đầu tư lâu dài tại đây; Khẩn trương nghiên cứu bổ sung phát triển trung tâm logistics các hub kết nối giao thương, phát triển dịch vụ thương mại để tận dụng vị trí địa lý thuận lợi và kết hợp phát triển thúc đẩy cảng trung chuyển.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đặc biệt, trên cơ sở những thông tin và những định hướng mới, cần có kế hoạch và tầm nhìn cụ thể để hướng đến xây dựng các trung tâm kinh tế, phân khu đầu tư theo không gian rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, ở khu kinh tế Vân Phong, các không gian công nghiệp, không gian thương mại, không gian du lịch cũng như các hoạt động về đô thị và phát triển đô thị cần được định hướng và xác định rõ, để đảm bảo khai thác tối đa lợi thế, điều kiện của hạ tầng giao thông, vị trí địa điểm, phù hợp với mục tiêu phát triển của chúng ta”./.