Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 cho thấy, mặc dù có những thay đổi tích cực trong cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính hải quan khi thực hiện khảo sát tại gần 3.000 doanh nghiệp, song vẫn tồn tại hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực, vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực này.
Đánh giá về chất lượng thông tin khi doanh nghiệp tiếp cận thủ tục hành chính hải quan, 91% doanh nghiệp tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất, 90% doanh nghiệp đánh giá thông tin thủ tục hành chính sẵn có dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính hải quan giảm đáng kể.
Điển hình như thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa trong thủ tục thông quan, tỷ lệ này là 6% (năm 2015 là 11%) và 14% (năm 2015 là 21%). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế là 23% so với năm 2015 là 31%... Qua số liệu cho thấy, với các thủ tục của ngành Hải quan đã có sự cải thiện.
Cải cách thủ tục hành chính trong sẽ tạo thuân lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dệt may cho biết, năm 2018, ngành dệt may phát triển khá ngoạn mục với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 36 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2017. Như vậy, tính cả dung lượng xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt xấp xỉ 58 tỉ USD, với hàng trăm nghìn container về hàng may mặc, bông, xơ sợi… lượng hàng qua biên giới cực lớn nhưng luôn được ngành Hải quan tạo thuận lợi.
“Những thành tích của ngành dệt may có sự đồng hành của Tổng Cục Hải quan đã giúp cho doanh nghiệp đệt may đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành dệt may đánh giá cao sự cải cách trong thời gian gần đây của Tổng Cục Hải quan cũng như Bộ Tài Chính trong việc tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn nữa và sẽ có thứ hạng cao đối với khu vực và trên thế giới”, ông Cẩm nói.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn có 56% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn trong các thủ tục kiểm tra và xác định mã số HS; 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định giá trị hải quan; 18% doanh nghiệp có chi trả chi phí ngoài quy định..
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức tích cực của doanh nghiệp về thủ tục hải quan năm 2018 đã tăng gấp đôi so với năm 2015, đây là sự thay đổi rất lớn của ngành hải quan, nhưng không gian cải cách vẫn còn nhiều.
Trong đó, việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin cần phải được đẩy mạnh triển khai toàn diện và triệt để. Bởi thực hiện được nội dung này này sẽ giúp hạn chế việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức cụ thể nhằm giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin phải mạnh mẽ và triệt để vì hiện nay đang có tình trạng một số nơi, một số ngành, một số lĩnh vực đang ứng dụng công nghệ thông tin một cách nửa vời. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chỉ nộp được hồ sơ trên mạng, nhưng rất nhiều khâu khác thì vẫn phải thực hiện trực tiếp và có những doanh nghiệp cho rằng bị tốn thời gian gấp đôi, bởi vừa thực hiện theo cách trên mạng lại vừa thực hiện theo cách truyền thống sẽ làm mất thời gian tới doanh nghiệp. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ cần áp dụng triệt để thủ tục hành chính ở cấp độ 4 - tức là hoàn toàn trên mạng”, ông Tuấn chỉ rõ.
Liên quan đến nội dung này, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan đặc biệt quan tâm đến chi phí ngoài quy định của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt quan tâm đến việc chống phiền hà, sách nhiễu tiêu cực trong nội bộ. Hiện, Tổng cục quy định rõ ràng về công tác thanh tra, kiểm tra và đã ban hành quyết định danh 300 hành vi tạm gọi trong ngành là những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu.
Cùng đó, ngành Hải quan cũng đã giảm việc kiểm tra hàng hoá thủ công bằng cách sử dụng hệ thống máy móc kỹ thuật hiện đại, như: hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát và đặc biệt là thực hiện chương trình giám sát hải quan tự động… Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như hạn chế tình trạng nhũng nhiễu.
Ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục việc cải cách đi vào thực chất, trước mắt sẽ thực hiện từ bên trong và tiếp đó tạo cơ sở bền vững cải cách thủ tục ở bên ngoài.
“Ngành hải quan tiếp tục không ngừng cải cách, kể cả cắt giảm các điều kiện kinh doanh và mục tiêu trước mắt sẽ nằm trong Top 4 của ASEAN, cũng như làm tốt công tác quản trị ngành, chống phiền hà, sách nhiễm tiêu cực. Ngành hải quan đang rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, trên cơ sở đó để bố trí, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp. Phải cải cách bên trong mới đủ tầm để thực hiện bền vững cải cách thủ tục bên ngoài”, ông Cường nêu rõ./.
Gỡ vướng thủ tục hải quan - Vẫn còn rào cản ở các cửa khẩu