Vợ chồng tỷ phú kể chuyện nuôi bò

Bà Hoàng Thị Hưng, 52 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM kể chuyện rời quê vào Nam nuôi bò và thành quả đạt được cho đến nay. Tận dụng cánh đồng cỏ bỏ hoang rộng mênh mông của nông trường Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, từ vốn liếng ban đầu chỉ vài con bò, đến nay bà Hưng đã phát triển chuồng trại quy mô hàng trăm con. Giờ đây hai vợ chồng đã có thể thảnh thơi nhìn lại những tháng ngày gian khó nhưng hạnh phúc.

Năm 2004, vợ chồng bà rời quê hương Thanh Hóa để vào Nam lập nghiệp. Năm 2005, họ về ấp 7, xã Lê Minh Xuân thuê đất để nuôi bò kiếm sống. Cả hai gom góp hơn 100 triệu đồng tiền bán ruộng đất ngoài quê, mua được 16 con bò. Sau 16 năm nỗ lực, nay đàn bò đã lên đến hơn 150 con, trong đó có khoảng 50 con bò nái, với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng.

Đứng trên cánh đồng rộng 97ha thuộc Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, bà Hưng chỉ tay về phía đàn bò khoe: “Bò nhà mình vừa đẻ 15 con, giống 3B. Giống này hiện nay được nhiều nông dân tìm nuôi vì chất lượng thịt rất tốt”. Không chỉ vậy, ông bà còn mua được hơn 1.600m2 đất tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân để nuôi chim yến, tạo thêm nguồn thu nhập.

"Nếu tính những năm thua lỗ, được giá hoặc trượt giá thì trung bình thu nhập 500.000 triệu đồng/năm. Có năm hai vợ chồng bán được hơn 1 tỷ đồng. Năm nay cũng vậy, đang phấn đấu thu nhập hơn 1 tỷ đồng nữa. Hiện tại có 150 con đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 này khả năng tăng đàn lên 180 con", bà Hưng chia sẻ.

Mỗi ngày đàn bò được thả trên cánh đồng cỏ ở nông trường, đến 4 giờ chiều trở về chuồng. Thời điểm chúng tôi đến thăm trại bò cũng là lúc ông Phạm Công Nam, chồng bà Hưng trở về từ chợ đầu mối Bình Điền với một xe ba gác to, đủ các loại củ, quả nhiều chủng loại, đa số là mít, xoài, dưa hấu... được các tiểu thương chợ dạt ra. Ngày nào hai vợ chồng cũng đầu tắt mặt tối suốt từ 2 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều, có khi tối mịt mới xong việc, làm sao thu gom 2 tấn thức ăn cho đàn bò. Nhiều lúc có dư chút đỉnh, muốn thuê thêm người làm, nhưng ai cũng ngán ngại.

“Mình đi mướn người làm, kêu họ vào bãi rác ở trong chợ thì vừa có rác sạch vừa có rác dơ, họ lượm trái cây thì họ rất ái ngại, kêu là xấu hổ, mắc cỡ và hôi hám lắm, họ không làm. Chân tay tôi ngày nào cũng hôi thối hết”, ông Nam tâm sự.

Gương sáng sản xuất giỏi

Khi được xã tư vấn cho bò ăn thêm bã đậu, ông Nam lại lặn lội đến tận những xưởng sản xuất đậu để mua với giá rẻ về cho bò ăn, nhờ đó đàn bò lớn nhanh trông thấy. Theo ông Nguyễn Văn Của, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, vợ chồng bà Hưng là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm ở xã. Nếu tính chăn nuôi hộ gia đình ở thành phố thì đây là mô hình hiệu quả, ít người làm được. Có thời điểm đàn bò tăng lên đến gần 180 con, với 90 bò cái. Mỗi ngày, đàn bò cái đẻ từ 4 đến 5 con.

Hiện, trại nuôi bò của bà Hưng chủ yếu bán bò giống, giá bán trung bình 25 triệu đồng/con. Đối với những bò giống lựa, qua kiểm tra thú y có giá 30 đến 40 triệu đồng/con.

“Vợ chồng anh chị Hưng rất chịu khó để phát triển kinh tế gia đình, rồi còn hỗ trợ cho những hộ dân gần đó về kỹ thuật chăn nuôi bò. Nói chung anh chị giúp bà con rất nhiều. Ngoài giúp về kỹ thuật thì còn giúp về con giống, đầu năm bán có thể đến cuối năm trả tiền, chứ không cần trả ngay”, ông Nguyễn Văn Của cho biết.

Với mô hình chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà Hoàng Thị Hưng trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền tại địa phương. Bà cũng vinh dự 4 lần được Ủy ban nhân dân TP.HCM trao tặng danh hiệu "Nông dân tiêu biểu"./.