Chiều 24/8, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm Quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ.

Tại buổi chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc điều hành công ty Gia Hân đã kể lại quá trình làm việc với Công ty Global Home của ông Otto (chồng ca sỹ Thu Minh), những vấn đề rắc rối, dính líu đến kiện tụng mà báo chí đã đưa thời gian qua. Ông Ngọc cho biết sự việc của công ty Gia Hân đang được Công an Đồng Nai thụ lý và việc làm của Gia Hân là để các doanh nghiệp hiểu rõ vấn đề chứ không phải cố gắng giành được gì.

vov_a_igqx.jpg
Quang cảnh buổi trao đổi

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật Thiên Thanh, đơn vị hỗ trợ pháp lý cho công ty Gia Hân cho rằng: vấn đề ở đây là câu chuyện niềm tin. Khi doanh nghiệp tin tưởng vào hợp đồng với đối tác mà không quan tâm các chi tiết trong hợp đồng có nhiều điểm bất lợi cho doanh nghiệp, như: chọn Trung tâm trọng tài quốc tế tại Hong Kong, luật vương quốc Anh, điều khoản kiểm soát chất lượng giao hẳn cho Global Home, việc thanh toán của đối tác với Gia Hân được thực hiện theo kiểu gối đầu… nên doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xảy ra tranh chấp quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tránh ngay các sai lầm này, tránh những thất bại ngay từ đầu, Hiệp hội cần phải là cầu nối, đơn vị đứng ra giúp các doanh nghiệp có tiếng nói chung, tạo môi trường minh bạch…

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, nói: "Nói chuyện niềm tin trong pháp lý gần như là câu chuyện buồn cười nhưng mà đây là sự thật. Hầu như các doanh nghiệp nhận được đơn hàng là quên hết, không quan tâm chi tiết trong đó, chỉ biết giá như thế nào, thanh toán thế nào, không quan tâm vì sao tài phán ở Hong Kong, vì sao lại dùng luật của Anh".

Đại diện các doanh nghiệp mỹ nghệ và chế biến gỗ, đại diện hiệp hội thủy sản, đơn vị cũng có nhiều tranh chấp quốc tế đều cảm thông cho trường hợp của Gia Hân và cho rằng đó là bài học mà các doanh nghiệp cần phải rút ra. Cụ thể là không nên tập trung hết cho một đơn hàng mà có thể phân ra nhiều đối tác. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, doanh nghiệp phải am hiểu ngoại thương, phải có luật sư hỗ trợ pháp lý suốt quá trình thương thảo. Các đối tác nước ngoài thường lồng vào các điều kiện bất lợi trong hợp đồng, lợi dụng bất đồng ngôn ngữ, sự thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế nên các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ.

Vấn đề thanh toán quốc tế cũng phải được chú trọng, chọn phương thức thanh toán an toàn trên cơ sở uy tín của đối tác. Hiệp hội phải là cầu nối để doanh nghiệp và đối tác gặp gỡ, tìm thiện chí giải quyết vấn đề; tận dụng kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã từng có kinh nghiệm trong tranh chấp quốc tế để tư vấn giải quyết…. Điều đáng nói là Việt Nam cũng có Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam bên cạnh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập từ năm 1993 nhưng gần như rất ít doanh nghiệp Việt Nam biết.

Ông Trần Quốc Mạnh, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta có hẳn một Trung tâm trọng tài quốc tế nhưng rất ít doanh nghiệp biết. Đây là một bài học kinh nghiệm để chúng ta lựa chọn bởi lựa chọn trọng tài kinh tế. Đối với hợp đồng quốc tế thì lựa chọn trung tâm trọng tài quốc tế là cực kỳ quan trọng, thành bại của chúng ta ở đây".

Chuyện niềm tin là cần thiết, nhưng quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp trong làm ăn với các đối tác nước ngoài đó là các doanh nghiệp phải hiểu kỹ luật pháp quốc tế và  cần có sự trợ giúp pháp lý của luật sư, sự tham gia hỗ trợ của Hiệp hội ngành nghề mà mình đang hoạt động. Có như thế mới hội nhập thành công./.