Trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ vẫn giữ quyết định xem xét hành chính lần thứ 8 về mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, các chuyên gia khuyến cáo: Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chủ động “làm quen” các rào cản thương mại khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết quan điểm của Hiệp hội về những rào cản thương mại và các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?

image_gallery.jpg
Ông Nguyễn Hoài Nam
Ông Nguyễn Hoài Nam:  Đây là một thực tế đã xảy ra từ 10 năm trở lại đây và ngày càng nhiều. Trong số những tiêu chuẩn mà chúng ta đang thực hiện có nhiều tiêu chuẩn bắt buộc gắn liền với vấn đề an toàn thực phẩm mà hiện nay các quốc gia lấy làm nền tảng yêu cầu những nước xuất khẩu phải tuân thủ.

Những chứng nhận tự nguyện hầu hết là của các nước nhập khẩu đó là những nhà nhập khẩu lớn và nhà nhập khẩu bán lẻ coi đó là thước đo để bán hàng ở nước đó. Xu hướng ngày càng có nhiều chứng nhận khiến cho giá thành sản phẩm của nước xuất khẩu tăng lên. Đó cũng là thực tế mà các chuyên gia, và nhiều quốc gia xuất khẩu trên thế giới không riêng gì Việt Nam quan ngại.

Chúng ta sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn dù cao đến mức nào nhưng tại sao phải có quá nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế giống nhau về mặt kỹ thuật, nội dung mà các quốc gia phải đáp ứng khi muốn xuất khẩu vào quốc gia đó.

Vấn đề là ở chỗ nó không phải là bắt buộc mà là vấn đề thương mại. Ở đây là luật chơi, sân chơi nếu chấp nhận thì mới có việc mua bán giữa các đối tác.

PV: Vậy chúng ta cần phải cần làm gì để hạn chế rủi ro, chủ động đối phó với các rào cản thương mại nhất là những vụ kiện phòng vệ thương mại?

Ông Nguyễn Hoài Nam: VASEP cũng như các Bộ ngành của Chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc có được những tiêu chuẩn để đạt được việc công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia nhập khẩu về các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Điều này khi làm được sẽ giảm số lượng chứng nhận tự nguyện trên một sản phẩm, đồng nghĩa với đó cũng giảm được chi phí của doanh nghiệp.

Cho đến nay, Tổng cục thủy sản cũng đã xây dựng tiêu chuẩn VietGap cho sản phẩm thủy sản có các điểm tương quan về mặt kỹ thuật, nội dung với những chứng nhận quốc tế. Đây là xu hướng ở trong quá trình hội nhập nhưng trong một thời gian ngắn chúng ta chưa giải quyết được.

Bộ NN&PTNT cũng như Hiệp hội cũng xác định rõ, để duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu thủy sản được thị trường hơn 150 quốc gia chấp nhận thì chúng ta không thể nào dừng lại ở mức hiện nay mà cần phải làm nhiều hơn nữa, trước hết đó là vấn đề chất lượng. Chất lượng ở đây là tuân thủ những tiêu chuẩn hoặc quy định của quốc gia và của nước nhập khẩu đưa ra.

Trong xu thế hội nhập, chúng ta tham gia vào sân chơi chung toàn cầu với mỗi một nhóm nhà nhập khẩu đưa ra nhiều tiêu chuẩn thì ngành thủy sản chắc chắn phải có một cam kết bằng hành động cụ thể tức là chúng ta tiếp tục chủ động hợp tác, đáp ứng yêu cầu từ phía nước ngoài.

Chủ động ở đây theo hướng tích cực thì lúc đó sản phẩm xuất khẩu mới có thị trường và tăng trưởng của ngành mới được duy trì và bền vững hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.