Lạm phát tiêu dùng hàng năm của Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, tình trạng giảm phát của các nhà máy ngày càng trầm trọng. 

Cục thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 10/2 công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 1 năm nay đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với kỳ vọng 1%. Các nhà kinh tế cho rằng đây là dấu hiệu kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại.  

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng đầu năm chịu sự ảnh hưởng của sức mua trước mỗi dịp Tết Nguyên đán vốn rơi vào giữa tháng 2 dương lịch năm ngay trong khi năm ngoái Tết Nguyên đán đến từ tháng 1 nên sức mua của tháng 1 năm ngoái vì thế mạnh hơn.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng tình trạng giảm phát của các nhà máy sản xuất mới là một mối quan ngại lớn hơn. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 1 đã khiến nhiều chuyên gia bàng hoàng khi giảm đến 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,5% so với dự đoán của họ. Như vậy, tình trạng giảm phát của các nhà máy ở Trung Quốc đang kéo dài đến gần 3 năm.

Giới quan sát nhận định, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đứng trước sức ép ngày càng lớn phải áp dụng thêm các chính sách kích thích tăng trưởng. Theo các chuyên gia, chính phủ Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong quý I này và Ngân hàng Nhân dân (tức ngân hàng Trung ương) Trung Quốc có thể sẽ giảm lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới./.