Các đơn vị quân đội trong chiến đấu là lực lượng xung kích. Trong thời bình, trên mặt trận kinh tế, ở nhiều lĩnh vực, họ cũng là những người đi đầu. Tổng Công ty Đông Bắc là một đơn vị như vậy trong ngành than. VOV.VN phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Đông Bắc.
PV: Thưa Thiếu tướng, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa yêu nghề, vừa có tinh thần sẵn sàng phục vụ công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ đất nước?
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển: Đối với công tác chính trị, tư tưởng trong đơn vị chúng tôi khó khăn không nhiều nhưng nhiều thách thức. Chúng tôi phải sắp xếp khoa học, thực hiện trọn vẹn hai nghĩa vụ phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, chúng tôi phải lồng ghép các chương trình với nhau. Khi xây dựng đơn vị dự bị động viên, việc đầu tiên là phải tập trung vào công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm tốt công tác chuyên môn, có lòng trung thành với Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần thì chúng tôi luôn sẵn sàng. Bởi chúng tôi là quân đội từ dân và vì dân.
PV: Trong thời bình, quân đội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Vậy đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển: Bác Hồ giao nhiệm vụ cho quân đội là chiến đấu, công tác và sản xuất. Là đội quân công tác vì quân đội ta là của dân, vì nhân dân chiến đấu, phục vụ. Từ xa xưa đến nay, cha ông ta đã dựa vào dân để thành công và chúng tôi hôm nay tiếp nối truyền thống này. Ngày nay, chúng tôi xác định, mỗi người lính là một công dân. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là lao động sản xuất giỏi. Vận hành máy móc thời bình là làm ra của cải, khi đất nước có chiến tranh chúng tôi là lực lượng mạnh.
PV: Thưa Thiếu tướng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, trong khi các đơn vị sản xuất khai thác than phải tăng năng suất thì mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và đời sống người lao động. Bài toán này được Tổng Công ty giải quyết như thế nào và có gì mâu thuẫn nhau không ạ?
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển: Cái đó không mâu thuẫn, mà nằm trong tổng thể phát triển bền vững. Vì khi năng suất cao mới có sản lượng. Đây là mâu thuẫn trong một sự phát triển. Chỉ có điều, chúng tôi phải đặc biệt quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng, vật lực cho sản xuất. Nếu trước đây sản xuất 1 tấn/người/ca, bây giờ giảm xuống chỉ còn 0,5 người/ca.
Nhà nước điều tiết vĩ mô về nguồn lực phát triển đất nước ở mỗi giai đoạn khác nhau. Khi là nước nghèo chúng ta phải biết sử dụng nguồn lực để thoát nghèo. Khi thoát nghèo thì phải có sự điều chỉnh. Khi đã có nguồn lực rồi thì tiết kiệm khai thác trong nước, nhập khẩu để bảo tồn nguồn lực trong nước.
Tổng Công ty tuân thủ theo Qui hoạch phát triển ngành than, thể chế hóa qui hoạch này kế hoạch trung hạn và dài hạn.
Thách thức nữa là ngành than đang trong xu hướng tăng chi phí lên. Đó là qui luật. Khai thác những tấn than đầu tiên trên mặt đất càng về sau càng phải khai thác sâu hơn, đất đá càng nhiều. Xu hướng chung của các ngành là phải hạ dần chi phí sản xuất nhưng với ngành than chi phí này lại tăng lên. Nhưng giá than thì lại không phải tăng đến vô cùng. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết bài toán môi trường, thách thức, giá thành. Vượt qua thách thức này chính là biện pháp vượt lên chính mình.
PV:Thiếu tướng có thể cho biết về công tác đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong Tổng Công ty được thực hiện như thế nào?
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển: Muốn có con người giỏi phải đào tạo, rèn luyện. Công nghệ sản xuất than trên thế giới ngày càng hiện đại, chúng ta cần có trình độ để tiếp thu những tiến bộ ấy. Hiện nay, Tổng Công ty có trên 1.634 người có trình độ thạc sĩ, trên 1.600 kỹ sư, cử nhân và hơn 400 cao đẳng và trên 7.000 là công nhân kỹ thuật qua đào tạo ít nhất 6 tháng. Với các vị trí quản lý chúng tôi có yêu cầu cao hơn. Ví dụ, ở vị trí Quản đốc phải có ít nhất 3 bằng, trong đó một bằng cấp bắt buộc là kỹ sư chuyên ngành. Ngoài ra, đã là quân đội phải qua chỉ huy, phải được đào tạo về chức trách, nhiệm vụ, biết làm công tác Đảng, công tác chính trị. Vì công tác tư tưởng và cán bộ được coi là công tác trọng tâm trong đơn vị.
Trong 5 năm từ 2010-2014, Tổng Công ty đã chi 160 tỷ đồng cho đào tạo. Cán bộ được gửi đi đào tạo phải có nhận xét, bảng điểm gửi về. Trước đây, chủ yếu đào tạo thêm về quản đốc, công tác chính trị, tới đây sẽ đào tạo chung cả quản lý Nhà nước và lý luận chính trị.
Điều quan trọng để có được thành công hôm nay là phải tạo được trí tuệ tập thể. Nguyên tắc tập trung lãnh đạo nhưng phải gắn với chế độ chỉ huy. Chúng tôi tự hào, nhiều năm qua trong Tổng Công ty không có đơn khiếu kiện hay tin nhắn nặc danh.
PV:Vấn đề an toàn lao động trong hầm lò, khai thác than được đơn vị chú trọng như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển: An toàn lao động là thách thức với ngành khai thác khoáng sản thế giới. Đông Bắc khẳng định là đơn vị đứng đầu ngành than về vấn đề an toàn bằng việc ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật. Chúng tôi coi sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc, đây là lao động đặc biệt và rất đặc thù.
PV: Với các nỗ lực kể trên, đời sống cán bộ công nhân viên trong Tổng Công ty hiện nay như thế nào và hàng năm việc thu nộp ngân sách đạt kết quả ra sao, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển: Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên trong Tổng Công ty 9 tháng năm 2014 là 9,1 triệu đồng/người/tháng, kết thúc năm nay, chúng tôi phấn đấu con số này là 9,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Năm 2014, đơn vị được giao nộp ngân sách gần 700 tỷ đồng, nhưng sẽ đạt 900 tỷ, đến thời điểm cuối tháng 11 chúng tôi đã thực hiện được hơn 837 tỷ đồng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!