Tại xã Tây Vinh huyện Tây Sơn, Trung tâm Khuyến nông Bình Định vừa phối hợp với Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình sản xuất giống lúa lai mới TH3-7 ở vụ đông xuân 2014-2015.
Nhằm đẩy mạnh đưa các giống lúa lai sản xuất trong nước vào sản xuất thay thế các giống lai nhập nội có giá thành cao, vụ đông xuân 2014-2015 Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Định đã thực hiện mô hình sản xuất trình diễn giống lúa lai TH3-7 tại xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn) và Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn).
Được biết TH3-7 là giống lúa lai hai dòng (tổ hợp lai: T1S-96BB/R7) do PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm và cộng tác viên Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lai tạo và chọn lọc. Công ty TNHH Cường Tân nắm giữ bản quyền sản xuất và cung ứng.
Mô hình có quy mô 03 ha, trong đó xã Tây Vinh 1,6 ha và xã Hoài Thanh Tây 1,4 ha; có 27 hộ xã viên trực tiếp tham gia. Mô hình triển khai thực hiện trên chân đất thành phần cơ giới trung bình, độ phì khá, chuyên sản xuất 2 vụ lúa/năm, gieo sạ với mật độ 2,5 kg giống/sào, bón phân, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật thâm canh.
Kết quả vụ đông xuân 2014-2015, giống lúa lai TH3-7 đã sinh trưởng và phát triển khá tốt, thời gian sinh trưởng 107 ngày, ngắn hơn 7 ngày so với giống Nhị ưu 838; chiều cao cây trung bình, tán lá gọn, cứng cây, khả năng thâm canh cao và khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt; năng suất lúa đạt bình quân hơn 82 tạ/ha; dạng hạt dài và chất lượng gạo ngon.
Theo đánh giá của chuyên gia kỹ thuật, các đại biểu tham dự hội thảo và nông dân trực tiếp thực hiện mô hình, đây là giống lúa có nhiều triển vọng. với thời gian sinh trưởng vụ đông xuân khoảng từ 105-110 ngày và vụ hè thu từ 110-115 ngày (vì đây là giống lúa cảm quang), có tiềm năng năng suất khá cao (hơn 90 tạ/ha nếu được đầu tư thâm canh tốt).
Giống có ưu điểm chống đổ ngã và kháng sâu bệnh tốt, lại được đánh giá có chất lượng gạo ngon; thích hợp để bố trí sản xuất trên chân 2 vụ lúa/năm. Hơn nữa, đây là giống lúa lai được lai tạo và sản xuất trong nước nên có giá giống thấp hơn so với các giống nhập ngoại. Do vậy, giống TH3-7 dễ được bà con nông dân chấp nhận đưa vào sản xuất.
Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác hơn về giống lúa mới này trước khi đưa vào cơ cấu của tỉnh, cần tiếp tục xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa lai mới TH3-7 trên các chân đất và mùa vụ khác nhau, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn đưa vào sản xuất trên diện rộng./.