Sau khi hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cao sau khi TPP được ký kết, do Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan, chính sách thị trường chung và chi phí sản xuất nội địa thấp.

Trong một công bố mới đây, Hãng Intel cho biết, sắp tới, 80% bộ vi xử lý của Hãng này trên toàn thế giới sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Còn theo thống kê của Samsung, 50% điện thoại di động của Hãng này trên toàn thế giới đang được sản xuất tại Việt Nam... Những con số này cho thấy, Việt Nam được nhiều Tập đoàn hàng đầu thế giới lựa chọn là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

det_may_vuie.jpg
Dệt may được cho là ngành sẽ hưởng lợi lớn khi Việt Nam tham gia TPP

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho biết, từ những dự án lớn như Samsung, Nokia vào từ năm 2007 rồi LG, Intel mới vào thì bây giờ tác động lan tỏa của những dự án lớn đó đã tạo thành trào lưu vào Việt Nam. Có thể nói Samsung họ vào từ năm 2007 với vốn 650 triệu USD, đến năm 2014 đạt 11,2 tỷ USD, và họ định đưa lên 20 tỷ USD trong mấy năm tới. Nokia từ 150 triệu USD đến 2014 bán cho Microsoft đưa con số lên 350 triệu USD và năm nay họ có thể đưa lên 1,5 tỷ USD, chuyển nhà máy từ Hungari về Việt Nam. Đây là một xu hướng rất tốt và họ đánh giá Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những ngành công nghệ cao, biến thành công xưởng xuất khẩu lớn.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều tín hiệu khởi sắc, tăng mạnh cả số vốn và số dự án đăng ký. Tính đến hết năm 2015, cả nước thu hút được 22 tỷ 760 triệu đôla Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã sớm khởi động chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, trong số 11 dự án để thu hút đầu tư do UBND thành phố Hà Nội công bố, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và Hà Nội hiện đang đứng thứ 3/63 tỉnh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội nói: “Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho các dự án đảm bảo tính khả thi, ví dụ như về quy hoạch xây dựng đã rất rõ ràng, các quy hoạch phân khu cơ bản được phê duyệt. Với những nỗ lực của Trung tâm xúc tiến đầu tư, những sự kiện đó sẽ có những chính sách cụ thể. Chúng tôi rất quan tâm đến tính rõ ràng trong quy hoạch và công tác giải phóng mặt bằng của những khu đất mà dự kiến sẽ đưa ra để lựa chọn đầu tư.”

Cùng với đó là sự quyết tâm cao độ của Chính phủ và các cấp để cải cách thủ tục hành chính, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cũng có những tác động tích cực đến triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với những điểm mới của Luật Đầu tư 2014 thì thủ tục đầu tư đã được cắt giảm rất nhiều. Luật yêu cầu minh bạch hóa danh mục đầu tư có điều kiện cũng như các điều kiện kinh doanh. Đó là những bước tiến rất cơ bản để tạo được niềm tin, tính dự đoán để cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có vai trò thúc đẩy thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch. Theo các chuyên gia kinh tế, kênh dẫn vốn này đang chứng tỏ là một trong những kênh huy động vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế, hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng thông thoáng và minh bạch. Vì vậy, việc Việt Nam tham gia TPP sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng tính hấp dẫn, thu hút ngày càng mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư này, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.

Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán SBBS phân tích: Khi tình hình kinh tế Việt Nam phát triển thì sẽ có một dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, qua 2 kênh - kênh đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Đầu tư gián tiếp có thể qua việc mua cổ phần của các công ty Việt Nam hoặc có thể thông qua việc mua bán – sáp nhập, thôn tính của các doanh nghiệp nước ngoài.

“Hội tụ đủ 2 yếu tố trên thì việc hội nhập vào TPP sẽ giúp chúng ta cơ hội rất lớn trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mở ra cơ hội giao thương thuận lợi giữa Việt Nam và 11 quốc gia thành viên còn lại. Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia Đông Nam Á và nền kinh tế lớn như Trung Quốc không tham gia TPP, theo các chuyên gia, những yếu tố này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đổ vốn trong các lĩnh vực như dệt may, da giày mà Việt Nam còn có cơ hội tăng sức hút vốn trong cả lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, triển vọng gia tăng dòng vốn quốc tế vào Việt Nam không chỉ đem lại những thuận lợi, mà có còn có thể khuếch đại những rủi ro nội tại của nền kinh tế./.