“Chả ai dọn cỗ cho người khác đến ăn”

Tại hội thảo “TPP - Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt” do CFO Việt Nam tổ chức TP.HCM chiều ngày 9/1, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright cho biết, bản chất của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là dựa vào trên 200 các Hiệp định thương mại song phương (FTAs) có sẵn giữa 12 nước tại hai bờ Thái Bình Dương và triển khai những hạn chế của các quy định trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

dn_va_tpp_ksmk.jpg

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, vốn FDI vào Việt Nam từ khi mở cửa ngày càng tăng nhưng Việt Nam chỉ chủ yếu là nước gia công các sản phẩm.

Nền kinh tế Việt Nam có 4 khu vực thì đến 3 khu vực bị trục trặc, chỉ riêng khu vực FDI phát triển tốt và đến ¾ vốn FDI đổ vào các doanh nghiệp này. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam không thể tăng được quy mô, mở rộng phát triển lớn.

Điều khiến doanh nghiệp Việt không phát triển được đó là thể chế, chính sách (hay gọi nôm na là các luật chơi). Các FTAs thực chất là các luật chơi mới được đặt ra trong bối cảnh mới.

“Chúng ta phải lấy doanh nghiệp trong nước làm trụ cột, làm nền tảng vĩ đại nhất. Vì nhà đầu tư nước ngoài Samsung có thể trong 6 tháng đầu tư vào Việt Nam thì trong 6 tháng cũng có thể rút vốn khỏi Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

“Chả ai dọn cỗ cho người khác đến ăn”. Nếu doanh nghiệp Việt bị “trói” ngay trong “ao nhà” thì khó tận dụng được cơ hội do TPP mang lại. Đổi mới phải bắt đầu từ Hà Nội và TP.HCM để “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Cởi trói cho doanh nghiệp bằng cách xóa bỏ nhũng nhiễu, tăng trách nhiệm giải trình của các đơn vị hành chính công, giảm độc quyền kinh doanh, tạo một nền kinh tế mang tính thị trường hơn… Lúc đó doanh nghiệp tự bơi được trong “ao nhà” sẽ dần lớn mạnh để bơi ra biển lớn.

FTAs làm cho các nhà quản trị quốc gia phải ứng xử đáng tin cậy hơn với giới doanh nhân.

Cũng theo ông Nghĩa, TPP sẽ làm cho bối cảnh của phi thị trường và thị trường thay đổi. Một mặt TPP tạo cho doanh nghiệp có cơ hội để mở rộng thị trường đầu tư, mặt khác TPP cũng tạo dựng thể chế bảo vệ tài sản và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn.

Muốn “lớn” nhanh, doanh nghiệp Việt buộc phải liên kết

Vấn đề của doanh nghiệp Việt là siêu nhỏ. Theo ông Nguyễn Quang Thuận, Tổng giám đốc Stoxplus, có đến 95% số doanh nghiệp Việt có doanh thu dưới 50 tỷ đồng.

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ, trong ngành dệt may, 90% sợi từ Việt Nam là phải nhập, vì doanh nghiệp muốn đầu tư một nhà máy kéo sợi phải tối thiểu mất 100 triệu USD, điều này là quá sức đối với doanh nghiệp trong nước. Nhưng lại có doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư 800 triệu USD xây nhà máy sợi tại Việt Nam, cho thấy nội lực doanh nghiệp Việt rất yếu.

Vấn đề đặt ra là phải liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để “lớn nhanh”. Chẳng hạn, đã có một doanh nghiệp Việt dùng mối quan hệ của mình liên kết với một doanh nghiệp Hồng Kông để mở rộng nhà máy dệt, đầu tiên là 120 triệu USD, đến nay đã tăng lên 160 triệu USD tại khu công nghiệp Việt Hương 2 (Bình Dương).

Theo Luật sự Nguyễn Hoàng Tranh, TPP là “cơn bão cơ hội” nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn gia công, lấy công làm lợi. Cách đây hơn một năm, một tập đoàn sản xuất gạo muốn xuất khẩu gạo sang Úc. Tôi đã tư vấn cho họ liên kết với 1 trong 2 đại siêu thị lớn nhất Úc. Nhưng họ sợ và không dám bỏ tiền ra để xây dựng thương hiệu để bán sản phẩm trực tiếp vào Úc. Cuối cùng họ bán gạo cho doanh nghiệp Thái Lan với giá 300 USD/tấn, còn doanh nghiệp Thái đó chế biến gạo Việt và bán vào siêu thị Úc với giá 1.200 USD/tấn.

Hay nhiều doanh nghiệp Việt chỉ bán hạt điều thô sang Úc với giá 1.000 USD/công chẳng hạn, thì hạt điều đó sẽ được doanh nghiệp Úc chế biến thêm muối, đường… và bán với giá gấp 3-4 lần.

Về chất lượng hàng hóa phải ổn định ngay từ đầu, không thay đổi. “Bạn tôi có chợ cá lớn ở Market Sydney, họ đặt mua cá ở Việt Nam thì chỉ được mấy công hàng đầu chất lượng rất tốt nhưng các công hàng sau thì rất dở khiến họ không tiếp tục làm ăn nữa”, ông Tranh nói.

Đây là điều rất đau lòng. Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt là gia tăng nội lực, làm thương hiệu quốc tế được khách hàng quốc tế tin cậy thì mới phát triển được. Doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu xem ở thị trường nào ai là người chi phối thị trường đó để thâm nhập.

Còn theo ông Mark Richardson, Giám đốc Fawkner Capital (Úc), doanh nghiệp phải bắt tay với những đối tác là cột trụ để phát triển vì đối đầu không được. Chúng ta không nên quan ngại cạnh tranh và thâu tóm, mọi thứ đều bắt đầu tư nguyên tắc thị trường. TPP mở ra cánh cửa hai chiều Việt Nam nhìn sang Úc và người Úc cũng tìm cơ hội sang Việt Nam./.