Hiện nay, ở TP HCM, thương mại điện tử có tốc độ tăng trên 20% mỗi năm. Tuy nhiên, thành phố thu thuế từ thương mại điện tử chưa được nhiều và gặp không ít khó khăn.  Năm 2017, thành phố  thu thuế thương mại điện tử chỉ được hơn 21 tỷ đồng.

thuong_mai_dien_tu_yigl.jpg
Theo dự báo, trong 5 năm tới quy mô của thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD (Ảnh minh họa: KT)
Vừa qua, Cục Thuế TPH CM đã truy thu và cưỡng chế hơn 66,68 triệu đồng thuế đối với Công ty TNHH Uber B.V (Uber). Ngành thuế cũng truy thu thuế một doanh nghiệp bán mỹ phẩm qua mạng ở quận Phú Nhuận hơn 8 tỷ đồng... Điều này  thể hiện sự quyết tâm của ngành thuế trong việc thu thuế thương mại điện tử.

Hiện thành phố có gần 300 sàn giao dịch thương mại điện tử, trên 8.170  website bán hàng và 73 trang mạng xã hội bán hàng được cấp giấy phép hoạt động, gần 13.500 tài khoản facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử. Cục Thuế thành phố đã yêu cầu 24 chi cục thuế của các quận, huyện  tăng cường kiểm tra và thu thuế thương mại điện tử.

Vài tháng nay, Chi cục Thuế  Quận 1 đã gửi thư mời 720 hộ cá thể  kinh doanh qua mạng để hướng dẫn kê khai thuế. Bước đầu rất  ít người hợp tác và  chỉ  có 1 hộ bán mỹ phẩm qua mạng kê khai nộp thuế, mỗi tháng hơn 5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận 1 cho biết, nếu các hoạt động kinh doanh online không kê khai, không thuế nộp thuế là vi phạm, sẽ bị xử lý theo Luật thuế. Cơ quan thuế sẽ mời họ 3 lần lên nộp thuế, nếu họ không tuân thủ thì sẽ gửi công văn  cho cục thuế  để gửi lên hệ thống yêu cầu facebook chặn lại.

Việc thu thuế thương mại điện điện tử ở TP HCM hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới, do những quy định về thuế chưa cập nhật kịp thời một số loại hình dịch vụ kinh doanh mới.

Còn đối với các hộ kinh doanh bán hàng trên mạng ở trong nước thì phần lớn người mua hàng đều giao dịch bằng tiền mặt nên cũng rất khó thu. Thêm vào đó, nhiều trường hợp địa chỉ của trang mạng không đúng hoặc địa chỉ đúng nhưng không có thông tin cá nhân nên cơ quan thuế cũng không thể gửi thư mời.

Hầu hết các thông tin trên mạng không công khai, nếu có cũng không chính xác nên khi cán bộ thuế xuống địa bàn thì địa chỉ và điện thoại không liên lạc được. Một số trường hợp họ đối phó với ngành thuế bằng cách ngưng giao dịch trên mạng xã hội, hạn chế cung cấp thông tin cho người mua hàng như địa chỉ, số điện thoại, và xóa hết bình luận…

Vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM và Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố để thu thuế thương mại điện tử.  Ngân hàng phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt chỉ còn 9%.

Ông Nguyễn Hoàng  Minh, Phó giám đốc Ngân hàng  Nhà nước Việt Nam  Chi nhánh TP HCM cho rằng, cần tuyên tuyền rộng rãi đến cộng đồng dân cư và doanh nghiệp  hiểu sử dụng thông qua hình thức thanh toán không  sử dụng tiền mặt nhiều hơn, như  thanh toán bằng séc, ủy nhiệm chi, thanh toán qua thẻ... để hạn chế tình trạng trốn thuế.

Theo một số chuyên gia lĩnh vực thuế, muốn thu thuế thương mại điện tử có hiệu quả thì cơ quan chức năng nên quy định việc thanh toán các giao dịch xuyên biên giới  qua 1 trung tâm để ngành thuế kiểm soát. Đồng thời, cơ quan chức năng nên yêu cầu  Google và Facebook đăng ký với ngành thuế các tài khoản giao dịch này.

Còn  đối với hộ  kinh doanh qua mạng  ở trong nước, Bộ Tài chính nên áp dụng việc  sử dụng hóa đơn điện tử có xác nhận, đây cũng là cách làm hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã làm.

Để khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn, ông  Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, ở quận Phú Nhuận  kiến nghị: Hóa đơn điện tử gắn có gắn với mã số trúng thưởng giống như Vietlot, người mua hàng nhận hóa đơn có gắn với mã số.  Hàng quý, sẽ tổ chức quay số, ai trúng thì được thưởng có giải thưởng từ 5 - 10  - 20 tỷ cho người trúng thưởng. Tiền thưởng này sẽ trích từ nguồn tiền phạt thuế.

Với ngành thuế, để đẩy mạnh thu thuế  thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng cục Thuế TP HCM cho biết: Năm nay sẽ gắn kết với ngân hàng hơn để quản trị  được việc thanh toán qua ngân hàng  và đặt vấn đề với Nhà nước khi làm luật thuế mới thì phải hạn chế thanh toán tiền mặt.

Thương mại điện tử đang phát triển nhanh  và được xem là mảnh đất “màu mỡ” nên nhiều doanh nghiệp chọn  kênh bán hàng này. Tuy nhiên, để thu thuế hiệu quả thì một mình Cục thuế  TP HCM thì rất khó thực hiện, cần sự phối hợp của các  cơ quan chức năng. Đồng thời, Bộ Tài chính nên có khung pháp lý chặt chẽ, đồng bộ  hơn để tránh thất thu thuế./.