Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đang lên phương án xác định phí sử dụng dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại thành phố.
Việc thu phí dịch vụ thoát nước là nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, giảm gánh nặng ngân sách thành phố.
Theo kế hoạch, TP HCM cần triển khai 198 dự án xử lý nước thải, hệ thống thoát nước, kiểm soát triều với tổng vốn đầu tư ước trên 133.500 tỉ đồng.
Mức 1.400 đồng/m3 giá dịch vụ thoát nước sẽ tương đương khoảng 25% giá nước sinh hoạt hiện tại đối với các hộ sử dụng trong định mức và tương đương với mức thu của Đà Nẵng, vẫn thấp hơn thành phố Sóc Trăng.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo nghị định này, đối với với hộ gia đình sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải để tính thu phí dịch vụ thoát nước được lấy bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước hàng tháng.
Hiện nay nguồn nước sạch chủ yếu tại TP HCM do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp và thành phố đang thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt bằng 10% giá nước sạch. Nguồn thu này chỉ đáp ứng 50% chi phí vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, còn lại ngân sách phải chi trả.
Theo đề án đang được lấy ý kiến góp ý, giá dịch vụ thoát nước được tính toán theo phương án phí thoát nước sẽ đủ để chi trả toàn bộ chi phí vận hành và bảo dưỡng toàn bộ hệ thống. Trong giai đoạn tiếp theo, giá sử dụng dịch vụ thoát nước có thể tăng dần để bù đắp các chi phí vận hành, bảo dưỡng, khấu hao tất cả các tài sản cố định của hệ thống.
Dự kiến đề án “Nghiên cứu các hình thức huy động vốn xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại TP HCM” sẽ được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố tiếp tục lấy ý kiến gọp ý và sẽ trình UBND thành phố phê duyệt vào tháng 11/2014./.