Tại buổi họp, phía Công ty cổ phần sữa Quốc tế cho biết, trong tuần tới sẽ kiểm tra lại sản lượng sữa thực tế tại Gia Lâm và tiếp tục thu mua hết sản lượng, đồng thời thương thảo hợp đồng với các chủ trạm để có thể ký kết muộn nhất là vào tháng 3/2015, nhưng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn.

hop_sua_copy_tgfx.jpgCuộc họp giữa các bên liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn tiêu thụ sữa trên địa bàn Hà Nội.
Vẫn khó trăm bề với sữa

Tình hình tiêu thụ sữa ở một số xã trên địa bàn huyện Gia Lâm bắt đầu khó khăn từ hơn 1 tháng trở lại đây, khi Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) thắt chặt trong công tác thu gom sữa, chỉ mua khoảng 50-70% lượng sữa hàng ngày.

Những sản lượng sữa còn lại, nông dân phải chật vật tìm cách bán cho một số các công ty thu mua, chế biến khác hoặc bán ra ngoài, với giá giảm từ 2.000 – 4.000 đồng/kg.

Đại diện các chủ trạm thu mua sữa phản ánh, không chỉ giảm sản lượng thu mua, phía công ty này cũng giảm giá mua từ 1.000 – 2.000 đồng/kg (với lượng sữa vượt sản lượng). Việc giảm giá này lại chỉ xảy ra với một số xã ở Gia Lâm như Phù Đổng, Dương Hà, khiến nông dân và các trạm thu mua rất bức xúc.

Ông Nguyễn Đức Dư – chủ trạm thu gom sữa của 50 hộ dân ở xã Phù Đổng cho biết, việc giảm giá thu mua đã khiến gia đình ông phải bù lỗ từ 150-160 triệu đồng/tháng.

Còn ông Hoàng Tuấn Dương, một chủ trạm thu gom sữa khác ở Phù Đổng đề nghị, phía công ty cần có chính sách ổn định để người dân yên tâm sản xuất: “Trước đây công ty thu mua ở trạm của tôi 3.000kg sữa/ngày. Hiện công ty còn thu mua 2.000 kg còn thừa tới 1.000 kg. Thời gian qua, rất may là chúng tôi cũng được tạo điều kiện để đến được với Công ty sữa Hà Nội, nên tạm thời có chỗ tiêu thụ. Nhưng về lâu dài, tôi mong muốn phía công ty có chính sách  ổn định để người dân và các chủ trạm thu mua yên tâm sản xuất, kinh doanh.”

Cam kết thu mua hết sữa tồn dư

Trong khi đó, phía Công ty Cổ phần sữa Quốc tế lại nêu những khó khăn, bất cập trong khâu thu gom sữa.

 Hiện nay, tại Gia Lâm có 4 trạm thu gom thu gom 6,5 tấn/ngày. So với mùa hè, sản lượng sữa mùa đông tăng từ 40 – 58%. Thực tế, có trường hợp, khi mùa hè sản lượng sữa ít hơn, một số trạm thu mua lại bán sữa cho thương lái bên ngoài để hưởng chênh lệch, gây khó cho công ty trong kế hoạch sản xuất.

Phía công ty cũng khẳng định, về lâu dài, sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu chính tại Ba Vì. Do đó, sẽ ưu tiên ký kết hợp đồng với các hộ nông dân tại Ba Vì. Còn các khu vực khác chỉ ký kết với các chủ trạm thu mua. Sau này sẽ tìm những hộ chăn nuôi quy mô lớn, sản lượng cao thì sẽ ký kết hợp đồng riêng với nông dân.

Với lượng sữa tồn dư hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Quốc tế cho biết, trước mắt, trong năm nay, công ty cam kết sẽ thu gom hết lượng sữa trên địa bàn huyện Gia Lâm trên cơ sở kiểm tra lại sản lượng thực tế. Phía công ty cũng khẳng định sẽ không giảm giá thu mua. Với 4 trạm thu gom ở Gia Lâm, công ty đang thương thảo hợp đồng và sẽ xem xét ký kết muộn nhất là vào tháng 3/2015. Tuy nhiên trong hợp đồng sẽ phải có những quy định chặt chẽ hơn:

“Công ty vẫn đang thu mua số lượng sữa đấy. Trong tuần này và tuần tới chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế sản lượng như thế nào. Bây giờ có nhiều đơn vị thu mua, mà mình không biết thực tế thừa là thừa của IDP hay của đơn vị khác không nhận thu mua. Nên công ty phải xem xét rõ.  Khoảng 2 tuần nữa chúng tôi thương thảo hợp đồng trong năm 2015, phải làm rõ trong hợp, trong đó quy định rõ sản lượng mùa hè và mùa đông như thế nào, thu mua bao nhiêu. Chúng tôi cũng muốn các trạm phải có trách nhiệm trong hợp đồng. Về phía công ty chúng tôi cũng sẽ không giảm giá ở các bồn.” Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Quốc tế nói.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP
Cần làm rõ trách nhiệm các bên trong hợp đồng

Về phía cơ quan chức năng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị, trước mắt, trong việc ký hợp đồng thu mua sữa ở huyện Gia Lâm năm 2015, cần xem xét lại các điều khoản, tiêu chí và nêu rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan khi vi phạm hợp đồng.

Chính quyền địa phương cần định hướng cho bà con nông dân thực hiện đúng các cam kết đã ký, không làm ăn kiểu chộp giật, bán sữa ra ngoài khi có giá cao hơn mà không bán cho công ty sữa. Đồng thời, đề nghị huyện Gia Lâm cũng như chính quyền các xã thông báo rõ ràng cho bà con về các chính sách và quy hoạch vùng nguyên liệu sữa của thành phố để không chăn nuôi kiểu tự phát, nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết: “Tới đây, trong thời gian Tết, chúng tôi sẽ phối hợp liên ngành đi kiểm tra, một là việc chăn nuôi theo quy hoạch, hai là các trạm thu gom, thứ 3 là việc thực hiện quy hoạch như thế nào, và kiểm tra cả các công ty sữa trên địa bàn Hà Nội. Sẽ làm việc để xem việc anh đã công bố thương hiệu, sản phẩm có đúng như đã công bố hay không, rồi giữa sữa tươi, sữa hoàn nguyên như thế nào so với công suất nhà máy, xem anh đã làm đúng hay không đúng. Tới đây chúng tôi sẽ làm nghiêm túc trong việc đôn đốc kiểm tra”.

Như vậy, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự cam kết của Công ty cổ phần sữa, trước mắt người nuôi bò sữa ở Gia Lâm có thể yên tâm về việc công ty sữa Quốc tế IDP sẽ tiếp tục thu mua, đảm bảo đầu ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để những sự việc như thế này không còn xảy ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn, tăng cường kiểm tra, rà soát để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân với doanh nghiệp, đồng thời thực hiện đúng quy hoạch vùng nguyên liệu sữa mà thành phố đã đưa, tránh việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay./.