Theo Bộ Công Thương, tháng 10/2012 thị trường trong nước biến động theo chiều hướng tốt hơn so với tháng trước. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu thị trường và kích thích tiêu dùng. 

hanghoatetr.jpg
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 10 ước đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 9 và tăng 16,1% so với tháng 10/2011.

Tuy nhiên, báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2012 của Bộ Công Thương cũng nhận định, thông thường vào thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng của người dân bắt đầu tăng do chuyển mùa nhưng năm nay sức mua trên thị trường vẫn yếu. Tiêu thụ hàng hóa tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón...

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 10 ước đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 9 và tăng 16,1% so với tháng 10/2011. Tính chung 10 tháng ước đạt 1.917,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 10 tháng tăng 6,76%.

Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng lớn nhất 48,2%, tiếp đó là kinh tế tư nhân là 35,5%; kinh tế nhà nước là 12,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,8%; kinh tế tập thể chiếm 1%.

Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 10 tiếp tục tăng 0,85% so với tháng trước (mức tăng này đã giảm mạnh so với mức tăng 2,2% vào tháng 9), trong đó: nhóm thuốc và dịch vụ y tế là nhóm có tác động chính vào việc tăng chỉ số giá tiêu dùng của tháng, tiếp tục tăng 5,94% do tăng giá dịch vụ y tế ở một số địa phương; nhóm giáo dục có mức tăng tương đối cao 1,88%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,09%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,02%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với tháng 10/2011. Tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 6,02%; 10 tháng đầu năm tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2011.

Chỉ số giá tiêu dùng các vùng kinh tế như: vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông bắc, vùng Tây bắc là các vùng có mức tăng cao nhất, tăng tương ứng là 1,79%, 1,49% và 1,26%. Các vùng kinh tế còn lại có mức tăng từ 0,33% đến 0,9%./.