Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định: khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu ngày càng nhiều.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới: trình trạng thuốc giả gia tăng trên phạm vi toàn cầu và thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Ở Việt Nam, thống kê của Viện Kiểm nghiệm Trung ương cho thấy: năm ngoái số lượng thuốc giả đã phát hiện là 31 mẫu; bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Cũng trong năm qua, phát hiện 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn trong 48.000 mẫu thuốc được kiểm nghiệm.
Hiện nay, mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả. Trước thực trạng này, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính là: Thuốc giả từ thực trạng toàn cầu đến các vấn đề của địa phương; Đảm bảo an toàn phương pháp kiểm nghiệm chất lượng và Hoạt động quản lý trong phòng chống thuốc giả, sự cần thiết của mạng lưới chống thuốc giả khu vực.
Để phòng chống thuốc giả ở Việt Nam có hiệu quả, Tiến sỹ Trần Việt Hùng, Phó Viện trưởng, Viện kiểm nghiệm Thuốc Trung ương cho rằng: “Chúng tôi đề nghị thành lập tổ chức BFM ở Việt Nam để phòng chống thuốc giả cũng như vi phạm bản quyền ở Việt Nam. Phối hợp các doanh nghiệp dược, các cơ quan chức năng như: công an, quản lý thị trường, viện kiểm nghiệm thuốc TW, Hiệp hội người tiêu dùng. Đối với Viện kiểm nghiệm Thuốc TW sẽ phát triển để phát hiện thuốc nhanh, hiệu quả ngay tại hiện trường”.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý thuốc, góp phần giúp Việt Nam và các nước trong khu vực phòng chống thuốc giả có hiệu quả hơn ./.