Tháng 9/2012, một loạt các mặt hàng thiết yếu và các dịch vụ công đã dồn dập tăng giá, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh bằng mức của cả 8 tháng trước đó cộng lại, vượt qua mọi dự báo của các chuyên gia. Vấn đề tăng giá dồn dập của nhiều mặt hàng cũng như vấn đề liên quan đến chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là những vấn đề mà người dân quan tâm nhiều nhất. Những băn khoăn đó được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trả lời trong chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, tối 14/10/2012.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ |
PV: Thưa Bộ trưởng, chỉ số giá tiêu dùng đã bất ngờ tăng lên 2,2%, bằng mức tăng của cả 8 tháng trước đó cộng lại. Nhiều người dân băn khoăn về sự tăng giá giật cục này sau một số tháng giảm trước đó, nguyên nhân do đâu, xin Bộ trưởng lý giải cho người dân?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tác động tăng giá của tháng 9 chủ yếu do 4 nhóm mặt hàng. Nhóm thứ nhất là thuốc và dịch vụ khám chữa bệnh, do trong tháng 9 có 43 tỉnh, thành phố đã điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Y tế từ tháng 2/2012, làm cho nhóm này tăng giá 17,02%, nó tác động đến chỉ số CPI 0,95%.
Nhóm thứ hai liên quan đến giáo dục và đào tạo, do tháng 9 là thời điểm khai trường, 43 tỉnh, thành cũng điều chỉnh mức học phí của các trường tại các cấp, đặc biệt là khối phổ thông trung học, làm cho chỉ số giá tăng 10,84%, tác động đến CPI 0,65%.
Về nhóm thứ 3, do tháng 8 và đầu tháng 9, có 3 lần tăng giá xăng dầu làm cho chỉ số của nhóm giao thông tăng 3,33%, tác động đến chỉ số CPI 0,34%.
Nhóm thứ tư là nhà ở và vật liệu xây dựng trong tháng 9 đã tăng 2,18%, tác động đến CPI 2,1%.
Như vậy, chỉ tính 4 nhóm này thì chỉ số CPI đã tăng 2,1%, bằng 95% tổng số tăng giá của tháng 9. Trong đó, nhóm xăng dầu tăng giá do tác động của giá thế giới. Đối với nhóm xăng dầu, quan trọng số một là phải đảm bảo mức dự trữ lưu thông và cung ứng đầy đủ cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng kịp thời. Thứ hai là phải kiên trì nguyên tắc điều hành theo giá thị trường, có sự quản lý của nhà nước và bám sát theo giá quốc tế. Nhưng nhóm này trong tháng 9 chỉ tác động CPI 0,34%, còn lại chủ yếu là tác động từ nhóm y tế và giáo dục.
PV: Việc tăng giá như vậy đẩy CPI tháng 9 tăng đột biến. Xin Bộ trưởng cho biết, có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì từ công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ công cho những tháng cuối năm?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Có 2 vấn đề phải tính đến, một là công tác dự đoán và dự báo. Trước đó, chúng ta không lường được, tháng 7 và 8 thì âm, nhưng tháng 9 lại tăng cao đến mức đó. Nếu chúng ta phân tích, dự báo tốt, có thể công tác điều hành giá cả làm cho tổng mức và ở từng tháng sẽ đều đặn hơn.
Bài học thứ hai là sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương. Ví dụ, nhóm giá dịch vụ y tế, Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Y tế từ tháng 2, nhưng thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh mức giá và lộ trình điều chỉnh giá lại do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nếu chúng ta có điều phối tốt từ Bộ Y tế và Bộ Tài chính tham gia vào với các tỉnh và tránh tháng 9 là tháng khai trường, rất nhiều mua sắm cho giáo dục đào tạo, học phí tăng. Trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng thì giá dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo cũng phải điều chỉnh ở mức linh hoạt hơn. Giá như chúng ta sớm hơn ở tháng 7 và 8, nhất là dịch vụ y tế thì không chỉ tổng mức giảm mà cả chỉ số giá từng tháng cũng đều đặn hơn.
PV: Thưa Bộ trưởng, ngoài vấn đề tăng giá, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến tiến độ thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong Nghị quyết số 13 của Chính phủ. Xin Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, việc thực hiện Nghị quyết 13 đến đâu?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ:Tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã miễn giảm, giãn thuế cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp, với mức 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức các tuần lễ lắng nghe doanh nghiệp, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc khó khăn, giảm bớt các chi phí tuân thủ pháp luật về thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế để thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh. Kết quả đã đạt được các điểm rất tích cực.
PV: Nhân nói về thuế, một số người dân thắc mắc rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống người dân cũng như đầu vào cho nhiều ngành sản xuất thì hiện đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, vốn là loại thuế hay áp cho các mặt hàng xa xỉ. Xin Bộ trưởng lý giải tại sao nước ta đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Xăng dầu là loại nguyên liệu không tái tạo được, có nguồn gốc hóa thạch, do đó phải hết sức tiết kiệm trong chi tiêu. Trên thế giới người ta thu thuế tiêu thụ đặc biệt với cả xăng và dầu, tại Việt Nam mới chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, còn dầu chưa thu, mà dầu chủ yếu dùng cho sản xuất kinh doanh.
Thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa vào áp cho xăng từ năm 1996, chứ không phải một sáng kiến mới, mức thu của Việt Nam cũng là mức thấp. Các nước ở quanh ta, Hongkong thu 0,78 USD/lít; Ấn Độ 0,61 USD/lít; Australia thu 0,4-0,5 USD/lít; Việt Nam thu 10% giá bán, tương đương 0,1 USD/lít xăng,mức này tương đương mức của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines trong khu vực. Cho nên, đây là sắc thuế bình thường từ trước đến nay. Tất nhiên, trong chiến lược cải cách thuế, Bộ Tài chính đang rà soát lại tất cả thuế và phí theo nguyên tắc giảm dần tỷ lệ động viên để đảm bảo tăng tiêu dùng và tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh.