Với mục đích chia sẻ thông tin tới toàn thể cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ về các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 25/10, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Điện lực và Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế”.

Tiết kiệm năng lượng đã được Luật hóa

Những năm qua, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định tiết kiệm năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững và cần được coi như nguồn năng lượng đầu tiên, là nguồn năng lượng kinh tế nhất và rẻ nhất để tăng cường nguồn cung, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), an ninh năng lượng ngày càng ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong các Nghị quyết, Quyết định, Luật cũng như các văn bản pháp luật, Thông tư… được Bộ Chính trị, Chính phủ và các cơ quan ban hành trong thời gian qua đều xác định rõ về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, cũng như các chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Các văn bản pháp luật đều đã quy định mức tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2015, nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đã bắt đầu yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, giảm CO2 trên từng sản phẩm… đã đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào năng lượng, sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ “luật chơi” của thị trường quốc tế”, ông Đặng Hải Dũng cho biết.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam - ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết, từ Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cho đến Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các giai đoạn, đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.

“Mặc dù các văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng chưa đồng bộ, do vậy Nghị quyết 55 yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045”, ông Hiệp cho biết.

Nâng tỷ lệ bắt buộc sử dụng tiết kiệm năng lượng

Khẳng định tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn, trong khi công nghệ của Việt Nam còn thấp, TS. Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, bài toán cần hướng đến chính là nâng cao nguồn nhân lực. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trách nhiệm của mọi người trong đó có các bạn sinh viên. Ngoài ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích DN thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh cũng là cần thiết và phù hợp.

“Tại Trường Đại học Điện lực, công tác đào tạo và lồng ghép kiến thức về tiết kiệm năng lượng được nhà trường tập trung chủ yếu vào 3 khối đào tạo Điện, Năng lượng và Quản lý năng lượng. Trong quá trình đào tạo, các sinh viên được trang bị kiến thức về công nghệ mới, các cách thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc sử dụng vận hành thiết bị, vật liệu nào giúp tiết kiệm điện…”, TS. Dương Trung Kiên chia sẻ.

Chủ tịch Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam - ông Nguyễn Đình Hiệp cũng đề cập, hiện mới có hơn 3.000 DN sử dụng năng lượng trọng điểm (chiếm khoảng 38% tổng năng lượng toàn xã hội) bắt buộc phải thực hiện tiết kiệm năng lượng, còn lại vẫn thuộc cơ chế khuyến khích. Do đó cần hướng đến quy định mở rộng tỷ lệ đối tượng bắt buộc phải thực hiện tiết kiệm lên 75-80% mức năng lượng của toàn xã hội.

“Cần bổ sung thêm các sản phẩm phải dán nhãn năng lượng, tuy nhiên các sản phẩm dán nhãn càng nhiều sao chi phí lại càng đắt, nên cần có thời gian để người dân làm quen và điều chỉnh dần hành vi sử dụng các thiết bị điện và điện của mình”, ông Hiệp khuyến cáo.

Theo ông Đặng Hải Dũng, với 12 Quyết định của Thủ tướng, 26 Thông tư, trên 50 quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến 26 chủng loại sản phẩm, thiết bị,… việc mở rộng sản phẩm dán nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý cũng như giúp cho công tác tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao hơn.

“Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng. Trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng, cũng như thí điểm thành lập Quỹ Tiết kiệm năng lượng để từ đó thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Dũng cho biết./.