Tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương đang diễn ra, sáng 24/12, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã thẳng thắn nêu ý kiến với Thủ tướng về việc quá lãng phí trong tổ chức các đoàn công tác, tiếp khách, đoàn ra, đoàn vào.

toan%20canh.jpg

Lấy dẫn chứng ở ngay chính địa phương mình, ông Thạnh nói: “Chỉ riêng năm 2013, chúng tôi tiếp 70 đoàn, Đảng có, Chính phủ có, các Bộ ngành có... Trong số này, có nhiều đoàn vào thanh tra, kiểm toán, trùng lắp. Quá lãng phí. Có đoàn vào tới 3 tháng hoặc hơn 1 tháng”.

Trước thực tế này, ông Vương Bình Thạnh đề nghị Chính phủ nên thống nhất với Đảng, Quốc hội về việc tổ chức các đoàn công tác cho đỡ trùng lắp. Vì thực tế, “Mỗi đoàn lên-xuống hàng mấy tháng trời, tiền vé máy bay đi ra – đi vào, địa phương đôi lúc phải lo tiền ăn, tiền ở bổ sung…  Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng năm 2014 phải nghiêm hơn, như hiện nay là quá lãng phí” – ông Thạnh nói.

Góp ý về những hạn chế trong công tác điều hành của Chính phủ, ông Thạnh cho biết: “Ngay 6 tháng đầu năm tôi đã nêu, việc thực hiện Nghị quyết 02 tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ xấu NH, giải phóng hàng tồn kho… nhưng điều hành của các Bộ, ngành còn chậm. Tôi theo dõi xuyên suốt, khi thực hiện Nghị quyết 02, các Bộ, ngành trung ương phải ngay trong quý 1 có văn bản hướng dẫn. Thế nhưng, có những Bộ qua quý 1 chưa thấy, thậm chí qua tháng 6 mới có. Việc điều hành như vậy là quá chậm” – ông Thạnh dẫn chứng và nêu quan điểm của mình.

Tiếp ý kiến của mình, ông Thạnh cho rằng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả một số văn bản pháp luật chưa cao. Chứng minh cho điều này, ông Thạnh dẫn chứng: Quyết định 63 và 65 hỗ trợ chính sách khuyến khích sau thu hoạch. Quyết định 63 qui định tỷ lệ nội địa hóa, đến 2011 sửa quyết định 65 nhưng cũng không thực thi được. Đến nay lại tiếp tục ban hành Quyết định 68 nhằm thay đổi Quyết định 63 và 65. “Chúng tôi nghiên cứu Quyết định 68 thì triển khai vẫn còn vướng. Việc huy động nguồn lực, phân cấp trung ương, địa phương và vốn vay của DN như thế nào… vẫn còn rất lúng túng.

Hoặc Quyết định 62 khuyến khích phát triển, liên kết hợp tác phát triển nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, cánh đồng mẫu lớn. “Nghe rất mừng, rất hấp dẫn nhưng đi vào thực hiện thấy vướng. Văn bản luật pháp chúng ta phải làm sao để dễ hiểu, dễ làm, dễ tổ chức thực hiện” – ông Thạnh nói.

Ở khía cạnh khác, ông Thạnh đề cập việc chậm ban hành các văn bản, gây tổn hại lớn kinh tế. Điển hình ở đây là Nghị định về quản lý và xuất khẩu cá tra. Việc góp ý soạn thảo Nghị định về cá tra đã 3 năm. Thủ tướng xuống An Giang họp và giao Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn làm “chủ xị” và ban hành rồi sau này vừa làm vừa điều chỉnh mà tới nay chưa có. “Việc gây hậu quả lớn chính là do các văn bản hành lang pháp lý để chúng ta đấu tranh với những cạnh tranh không lành mạnh, nuôi không theo qui hoạch. Một Nghị định mà 3 năm trời không ra nổi thì tôi không thể hình dung nổi” – ông Thạnh bức xúc.

Ngoài ra, để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nhiều địa phương đang thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Trong khi đó, Nghị định, Thông tư chưa có nên các địa phương thực hiện còn lúng túng. “Vì vậy, cần sớm cụ thể hóa để có chính sách khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất” – kiến nghị của Chủ tịch tỉnh An Giang.

Chia sẻ những kinh nghiệm đã thu thập được, ông Thạnh cho biết: “Mới đây, tôi học lớp hành chính công của Singapore. Khi Quốc hội có Luật, Chính phủ có chính sách thực thi. Mỗi bộ có 3-5 ủy ban chuyên thực thi chính sách nên rất nhanh, rất đi vào cuộc sống. Những cán bộ ủy ban này không phải là công chức, chỉ làm dịch vụ công. Tôi đề nghị Chính phủ có thể nghiên cứu vấn đề này, đưa vào văn bản khi thủ tướng có văn bản, chỉ thị… thì thực thi rất nhanh”.

Ông Chủ tịch tỉnh An Giang cũng nêu quan điểm về thực hiện Nghị định 42 về hỗ trợ diện tích trồng lúa là 1 triệu đồng/ha, trong đó 500.000 giao trực tiếp cho nông dân, 500.000 địa phương giữ lại để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, con số này không thấm tháp gì nếu so với Nhật Bản, hỗ trợ cho người trồng lúa từ năm 1970 đến giờ mỗi ha là 150.000 yên (tương đương 160 triệu đồng), trong khi Việt Nam có 1 triệu. Ông Thạnh đề nghị Thủ tướng nâng mức hỗ trợ cho nông dân từ 3-5 triệu.

Về chính sách an sinh xã hội, theo ông Thạnh, các Bộ, ngành cần nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ chứ như hiện nay có tới 120 chính sách, 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình này chồng chéo, mà khi thực hiện hiệu quả lại không cao. Hướng tới nên phân cấp mạnh cho địa phương, tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những góp ý của Chủ tịch tỉnh An Giang và đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp thu và điều chỉnh, ví dụ như Quyết định 63, 65, Nghị định cá tra…/.