>> Sắp hoàn tất mạng đăng ký thành lập doanh nghiệpCục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hợp tác cùng Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) và Tổ chức Phát Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) hỗ trợ thực hiện cải cách đăng ký kinh doanh tại Việt Nam với tổng nguồn vốn tài trợ 6,6 triệu USD cho giai đoạn 2 và 3 của dự án.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải cách đăng ký kinh doanh tại Việt Nam”, bắt đầu tháng 11/2008, hoàn thành Giai đoạn 1 tháng 9/2010, đã hỗ trợ Bộ KH-ĐT, Tổng cục Thuế, và các cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh xây dựng dịch vụ đăng ký một đầu mối, hoàn toàn tin học hóa cho việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký thống kê, và đăng ký với cơ quan công an cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành.

Đến tháng 10/2010, hồ sơ đăng ký của 405.000 doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc tại 58 tỉnh thành, nơi hoạt động đăng ký đã được tin học hóa, được kiểm tra và nhập vào Hệ thống Thông Tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia (TTĐKDNQG). Kỳ vọng là tổng số doanh nghiệp có trong cơ sở dữ liệu của Hệ thống TTĐKDNQG sẽ đạt gần 550.000 vào giữa tháng 11/2010, khi hoạt động này ở Hà Nội và 4 tỉnh còn lại được kích hoạt hoàn toàn thông qua Hệ thống TTĐKDNQG.

Hệ thống TTĐKDNQG tại Bộ KH-ĐT được kết nối và vận hành hoàn toàn đồng bộ với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói: Cải cách đăng ký kinh doanh giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian dành cho việc hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, thống kê, và con dấu nhờ đơn giản hóa và chuẩn hóa các bước, các thủ tục phải hoàn thành trước đăng ký và khi đăng ký. Mỗi một doanh nghiệp khi đăng ký xong sẽ có một mã số duy nhất, cũng là mã số thuế của doanh nghiệp. Các dịch vụ đăng ký một đầu mối thực hiện bởi các Phòng Đăng ký Kinh doanh cấp tỉnh đảm bảo cung cấp dịch vụ như nhau cho tất cả các doanh nghiệp, bất kể doanh nghiệp đó hoạt động tại đâu”.

Ông Jean-Hubert Lebet, Đại sứ Thụy Sỹ, đánh giá:“Một phần đáng kể trong thành công này là do những bước cải thiện trong môi trường kinh doanh đã giúp huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế và giải phóng tinh thần kinh doanh của người Việt Nam. Tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện để thiết lập được một sân chơi thật sự bình đẳng”.

Ngoài ra, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, có khả năng tiềm tàng cho việc kết nối Hệ thống TTĐKDNQG với các hệ thống khác, ví dụ như bảo hiểm xã hội, giao dịch bảo đảm, thông tin tín dụng, thương hiệu và nhiều hệ thống khác, và như vậy sẽ mở rộng hơn nữa sáng kiến Chính phủ điện tử./.